Tái cơ cấu ngành hồ tiêu - Bài 1: Vì sao 'bong bóng' hồ tiêu bị vỡ?
Vườn hồ tiêu sạch không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh, Đắk Lắk. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN |
Từ tăng trưởng thần tốc...
Theo ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ năm 2010 đến nay, diện tích hồ tiêu nước ta tăng rất nhanh. Nếu năm 2010, cả nước chỉ trồng 51.500 ha hồ tiêu thì đến hết năm 2017 con số này đã lên tới trên 152.000 ha, tăng 196,3% so với năm 2010 và vượt quy hoạch năm 2020 trên 100.000 ha.
Sự gia tăng diện tích này chủ yếu tập trung ở 2 khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, hiện đang chiếm 93,5% tổng diện tích hồ tiêu trên cả nước; trong đó, tại khu vực Tây Nguyên, tốc độ gia tăng diện tích trồng hồ tiêu lên đến 394,5%. Riêng ở tỉnh Đăk Lăk có diện tích tăng thần tốc nhất là 669,3%.
Điều tra của ngành nông nghiệp cho thấy, tổng chi phí sản xuất 1 kg hạt tiêu bình quân là 49.847 đồng/kg. So sánh với các loại cây trồng khác, lợi nhuận cây tiêu mang lại cao nhất. Cụ thể, 1 ha diện tích trồng tiêu mang lại lợi nhuận trên 244 triệu đồng, tỷ suất lợi nhuận đạt trên 200%.
Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận của cây điều khoảng 174%, cao su khoảng 89%, cà phê khoảng 66%, thấp nhất là chè búp là 46%. Có thể thấy, lợi nhuận hồ tiêu mang lại cao gấp 5-10 lần các cây công nghiệp khác. Đây là nguyên nhân chính khiến ngành hồ tiêu tăng trưởng “thần tốc” trong vài năm gần đây.
Sự gia tăng diện tích hồ tiêu của Việt Nam đã góp phần đáng kể vào sự gia tăng diện tích hồ tiêu thế giới. Theo Tổ chức Hồ tiêu quốc tế (IPC), trong giai đoạn 2013-2017, do giá hồ tiêu thế giới luôn duy trì ở mức khá cao, trung bình khoảng 7.000-8.000 USD/tấn, tương đương với 120.000-160.000 đồng/kg. Thậm chí, có thời điểm trong năm 2015, giá hồ tiêu lên đến 220.000-240.000 đồng/kg đã khiến diện tích hồ tiêu thế giới phát triển quá nhanh; trong đó, 3 nước trồng mới nhiều nhất là Việt Nam, Brazil và Campuchia, nâng tổng diện tích hồ tiêu thế giới lên khoảng 600.000 ha, tăng 6-7% trong năm 2017.
Diện tích hồ tiêu Việt Nam hiện đang đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Indonesia (160.000 ha). Đáng chú ý, số liệu năm 2017 cho thấy, mặc dù diện tích hồ tiêu toàn cầu tăng tới 6-7% nhưng nhu cầu thế giới về hồ tiêu lại chỉ tăng từ 2-2,4%/năm. Nếu xét cung và cầu hiện nay thì sản xuất hồ tiêu thế giới đã vượt quá nhu cầu hàng năm.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, ngoài việc tiêu thụ toàn cầu không tăng mạnh trong khi cung tại các nước xuất khẩu ngày càng cao thì Brazil đang tập trung xuất khẩu mạnh với giá thấp là nguyên nhân chính khiến giá hồ tiêu thế giới đang rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm vừa qua. Hồ tiêu Việt Nam cũng nằm trong cơn xoáy giảm giá này, thậm chí có nguy cơ đe dọa sự tồn tại của cả ngành hàng. Hiện giá hồ tiêu nội địa chỉ dao động khoảng 60.000-65.000 đồng/kg, tương đương với mức giá xuất khẩu 3.000 USD/tấn.
… đến hệ lụy khó lường
Người dân huyện Bù Đốp, Bình Phước thu hoạch tiêu. Ảnh: K GỬIH/TTXVN |
Tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất hồ tiêu phát triển bền vững mới tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, hầu hết các địa phương đều cho rằng sự phát triển nóng của ngành hồ tiêu trong thời gian gần đây đã gây ra nhiều hệ lụy như sâu bệnh hại bùng phát, chất lượng tiêu giảm, đặc biệt vấn đề về an toàn thực phẩm ở một số vùng trồng…
Bà Kpui H’Blê, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê (Gia Lai) – một trong những vùng chuyên canh hồ tiêu lớn nhất hiện nay cho biết, do cây hồ tiêu hiện đang chiếm 36% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt của huyện này nên khi giá hồ tiêu xuống thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất cũng như thu nhập của bà con.
Theo bà Kpui H’Blê, việc giá hồ tiêu tăng mạnh trong những năm gần đây đã kéo theo diện tích sản xuất ở địa phương cũng tăng nhanh cùng với sự thâm canh quá mức, bởi tâm lý nôn nóng muốn thu được năng suất và sản lượng nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất đang là cách làm phổ biến hiện nay của nông dân trồng tiêu. Đặc biệt, những nơi trồng mới, nông dân thiếu kinh nghiệm và thiếu kiến thức về canh tác bền vững, giống tiêu lại chưa được nghiên cứu chọn lọc có hệ thống, dễ nhiễm sâu bệnh.
Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk cũng cho biết, do lợi nhuận cao từ việc trồng hồ tiêu trong những năm gần đây, người trồng tiêu sử dụng trụ bê tông nhiều, thiếu hệ thống cây che bóng. Nhiều hộ cũng trồng tiêu trên những vùng đất có thành phần cơ giới không phù hợp, chậm thoát nước trong mùa mưa. Điều này dẫn đến nguy cơ tiêu chết hàng loạt do ngập úng và bệnh chết nhanh, chết chậm lây lan là khó tránh khỏi.
Mặt khác, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không theo nguyên tắc 4 đúng, không tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương và hộ trồng tiêu, việc tăng cường đầu tư thâm canh để rút ngắn thời kỳ kiến thiết cơ bản… đã làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm tiêu hạt. Những tình trạng này nếu không sớm khắc phục sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển hồ tiêu bền vững trong thời gian tới.
Đó là chưa kể, ngành hồ tiêu cũng đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức khác như: việc liên kết sản xuất theo chuỗi còn thiếu và yếu. Công tác nghiên cứu và phát triển cây hồ tiêu lại chưa được chú trọng nhiều, dẫn đến việc đưa ra thị trường giống cây trồng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng; vấn đề chế biến sâu chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức…
Trước một loạt bất cập hiện nay của ngành hồ tiêu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nếu không nhanh chóng tái cơ cấu, ngành hồ tiêu không chỉ có bị tụt hậu mà còn có phá vỡ ngành hàng, không có người mua, giảm uy tín sản phẩm...