|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh trước thách thức COVID-19

22:55 | 23/07/2020
Chia sẻ
Chiều 23/7, diễn đàn "Tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh trước thách thức khủng hoảng COVID" được Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam phối hợp với các cơ quan tổ chức, có sự tham gia nhiều nhà quản lí, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp.
Tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh trước thách thức COVID-19 - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Đình Thiên – Thành viên Hội đồng tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đảm nhiệm vai trò điều phối diễn đàn. (Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng).

Tại diễn đàn, các đại biểu đồng tình đại dịch COVID – 19 đã và đang gây ra những hậu quả to lớn, nặng nề, đặt ra những vấn đề chưa từng có tiền lệ cả cho thế giới và cho nền kinh tế Việt Nam.

Trước tình hình này, ông Phạm Việt Dũng - Tổng Biên tập Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam - nhận định việc tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh luôn là vấn đề quan trọng, là mối quan tâm thường trực. Điều này không chỉ của các nhà quản lí mà còn là bài toán cốt tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân.

Theo đó, trải qua các tác động tàn phá của đại dịch COVID – 19, vấn đề tái định vị, điều chỉnh chiến lược, giải pháp sản xuất kinh doanh và mô hình cạnh tranh đang đặt ra nhiều yêu cầu cấp bách trước mắt, và cả về dài hạn ở tầm quốc gia và cả ở tầm doanh nghiệp.

Để giải quyết vấn đề này, không chỉ có sự nỗ lực của các cơ quan quản lí, các doanh nhân, doanh nghiệp mà còn có sự chung sức, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh trước thách thức COVID-19 - Ảnh 2.

Tổng Biên tập Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam, ông Phạm Việt Dũng, phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng).

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phát biểu: "Có thể khẳng định, Chính phủ đã rất linh hoạt và chủ động trong ứng phó với đại dịch, các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành là rất quyết liệt, phù hợp với tình hình thực tế".

Ông nhận xét nước ta đã giữ vững được sự ổn định kinh tế vĩ mô, tạo lập môi trường ổn định cho các ngành phục hồi, phát triển trong trạng thái bình thường mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, nhiều ý kiến cho rằng tình hình kinh tế quốc tế và trong nước vẫn còn những khó khăn, thách thức đe dọa khả năng tồn tại của không ít doanh nghiệp.

Tình hình này đòi hỏi trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan quản lí Nhà nước trong hoạch định chính sách, sự vào cuộc quyết liệt của các chính các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần nỗ lực tìm ra các giải pháp hiệu quả, chủ động thích ứng, vượt qua những thách thức của đại dịch và để biến nguy thành an, biến các thách thức, khó khăn thành cơ hội phát triển mới.

Đề xuất các giải pháp trước thách thức COVID-19

Sau khi đánh giá về các tác động, cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp thời kì hậu đại dịch COVID – 19, TS. Cấn Văn Lực đã tập trung phân tích những xu hướng đầu tư-kinh doanh mới. 

Ông nhấn mạnh, phân tích cụ thể về các xu hướng lớn như: đầu tư vào những lĩnh vực an toàn, cắt giảm chi phí đầu tư và nhân sự, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và đầu tư, tận dụng cơ hội từ chuyển dịch dòng vốn đầu tư, áp dụng công nghệ, thay đổi cách thức làm việc và định hình lại cách thức cung cấp sản phẩn, dịch vụ của doanh nghiệp.

Tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh trước thách thức COVID-19 - Ảnh 3.

Tại diễn dàn, các chuyên gia tập trung nêu ý kiến về các giải pháp và xu hướng đầu tư - kinh doanh mới. (Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng).

TS. Võ Trí Thành đề xuất tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp, gói hỗ trợ đã được Chính phủ đề ra vốn đã tương đối đồng bộ và toàn diện, hiện quả hơn nữa,  nhất là những giải pháp về hoãn, giãn, miễn, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp

Đồng thời, xem xét thực hiện các gói kích thích kinh tế mới sao cho phù hợp với điều kiện thực tế, tăng cường các giải pháp nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, năng lực chống chịu của các doanh nghiệp trước các biến động kinh tế. Ngoài ra, cần thực hiện tốt các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, gắn liền với tăng cường tính minh bạch hóa thị trường…

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia thảo luận xung quanh các giải pháp giúp doanh nghiệp gia tăng doanh số, duy trì việc làm ổn định và phát triển bền vững trước các tác động kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. 

Các chuyên gia còn nhấn mạnh các giải pháp như phát triển các kênh phân phối; mở rộng thị trường sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; quản trị rủi ro, nắm bắt cơ hội thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, duy trì lợi nhuận bền vững; tăng cường khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp;…

Điêu Quân