Gói hỗ trợ chống dịch COVID-19: 'Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng'
Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa công bố báo cáo vĩ mô quí II/2020 với nhận định, với nguồn lực tài khóa hạn hẹp sau nhiều năm thâm hụt ngân sách và việc chính sách tiền tệ bị ràng buộc với các mục tiêu về lạm phát, tỷ giá, Việt Nam không thể theo đuổi các chính sách vĩ mô theo cách tương tự như các nước trên thế giới.
Theo VEPR, việc chống dịch và trợ cấp an sinh xã hội đang tạo áp lực lớn lên cán cân ngân sách. Mặc dù chính phủ đang sử dụng các quĩ dự phòng để hỗ trợ an sinh xã hội, nhưng các quĩ này có thể là không đủ vì số lượng đối tượng nhận hỗ trợ rất lớn trong khi ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ còn kéo dài.
"Ưu tiên lúc này là đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động", VEPR khuyến nghị.
Bình luận về các chính sách tài khóa, VEPR cho rằng, xét về nguyên tắc của chính sách tài khóa mở rộng trong bối cảnh tổng cầu suy giảm, cần lưu ý rằng chính sách ấy không nhất thiết chỉ liên quan đến việc mở rộng chi tiêu công (mà trong nhiều trường hợp rất lãng phí và kém hiệu quả) mà còn liên quan đến việc giảm các nguồn thu, nhờ thế giúp giảm bớt gánh nặng tài khóa của các doanh nghiệp và hộ gia đình.
"Trong trường hợp của Việt Nam, việc chủ động cắt giảm chi phí bắt buộc như phí và hoãn/giảm thuế đối với doanh nghiệp có giá trị kích thích và hỗ trợ hiệu quả hơn so với cứu trợ hoặc tài trợ trực tiếp", báo cáo nêu rõ.
Theo VEPR, các chính sách an sinh xã hội như chi trả bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ người bị tạm thời ngưng việc, trợ cấp cho người nghèo, người bị mất sinh kế nên được chính phủ ưu tiên hàng đầu và triển khai nhanh, đúng đối tượng, trước khi người dân rơi vào bi kịch không đáng có.
Đặc biệt, lao động trong khu vực phi chính thức cần được quan tâm hơn khi nhóm này chiếm một tỉ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác động nặng nề nhất và có thể nằm ngoài phạm vi được thụ hưởng chính sách hiện tại.
Trong khi đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần có sự phân loại và tập trung hơn.
Cụ thể, việc khoanh/ngưng hoặc miễn giảm các chi phí tài chính như lãi vay và tiền thuê đất nên được áp dụng đối với nhóm doanh nghiệp phải dừng hoạt động; Các chính sách hoãn đóng bảo hiểm xã hội, giảm tiền thuê đất, giảm lãi vay và khoanh nợ, giãn thu thuế VAT nên được thực hiện với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực nhưng còn hoạt động.
Còn với nhóm doanh nghiệp ít, không bị ảnh hưởng hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả thì nên khuyến khích tín dụng, tạo điều kiện về thể chế và chính sách ngành, bởi họ là nhóm gánh đỡ cho nền kinh tế trong thời điểm này.
VEPR cho rằng điều đáng lo ngại nhất hiện nay là khả năng giải ngân các gói cứu trợ xã hội có thể chậm hoặc gần như bất khả thi, do mạng lưới thực thi kém hiệu quả và không tạo được niềm tin của người dân. Nói cách khác, "không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng" là một vấn đề ngăn cản thực thi các ý tưởng hỗ trợ xã hội qui mô lớn hiện nay.
VEPR nhận định, thúc đẩy đầu tư công trong nửa cuối năm là việc nên làm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đầu tư công không nên là việc tăng chi tiêu công một cách dàn trải, vội vàng, thiếu kiểm soát.
Theo đó, chính phủ chỉ nên đẩy nhanh những dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và đã được bố trí sẵn vốn thực hiện. Việc chia nhỏ dự án thành nhiều gói thầu và thực hiện rải rác ở nhiều địa phương là cách để tăng mức độ lan tỏa của việc đầu tư.
Song song với thúc đẩy đầu tư công, việc cắt giảm ngân sách thường xuyên (tiêu dùng) tối thiểu 10% cũng là một biện pháp nên được thực hiện nhằm dành nguồn lực cho việc khắc phục những hậu quả do bệnh dịch gây ra.