Tác phẩm hội họa là mặt hàng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư
Những nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng trong dài hạn, việc đầu tư vào một tác phẩm hội họa sẽ đem lại lợi nhuận tương tự như mua trái phiếu, theo CNBC.
Kể từ năm 1985, hội họa đương đại chính là "món hời" nhất với các nhà đầu tư, với mức lợi suất trung bình khoảng 7,5% mỗi năm, theo báo cáo của Citi sử dụng dữ liệu từ Masterworks.io.
Tác phẩm theo trường phái ấn tượng đem đến lợi suất khoảng 5% trong khi mức trung bình của các tác phẩm hội họa là 5,3%.
Đây là những con số tương đối sát với mức lợi nhuận trái phiếu. Trái phiếu hoạt động ở các nước phát triển có mức lãi suất là 6,5% trong khi lãi suất trái phiếu lợi tức cao trên toàn cầu là 8,1%.
Hội họa là một thị trường đầy biến động, và nó phụ thuộc nhiều vào thị hiếu của người xem. Ở chiều ngược lại, ngành này lại không chịu nhiều biến động của thị trường.
Do đó, Citi nhận định ngày càng nhiều các nhà đầu tư lựa chọn việc mua một tác phẩm hội họa là cách để đa dạng hóa danh mục của mình.
"Đây là một món đầu tư hấp dẫn, chất lượng cao trong dài hạn", Citi tuyên bố.
Năm 2018, thị trường hộ họa toàn cầu đạt mức 67,4 tỉ USD, theo UBS. Đây là con số lớn thứ hai trong lịch sử. Tháng 5/2019, một bức tranh thuộc series "Đống cỏ khô" của danh họa Monet đã được sang tay với giá 110,7 triệu USD.
Ngoài ra, hai tác phẩm "Cô gái và giỏ hoa" của Picasso cũng như bức tranh người phụ nữ khỏa thân của Modigliani đều đấu giá thành công với mức giá xấp xỉ 100 triệu USD.
Bức "Salvator Mundi" của Leonardo da Vinci được bán với giá 450,3 triệu USD. Ảnh: CNBC
Nổi tiếng nhất trong các tác phẩm hội họa đấu giá thành công là bức "Salvator Mundi" của Leonardo da Vinci được bán với giá 450,3 triệu USD vào năm 2017.
Mặc dù những tác phẩm trên có giá trị sang tay rất cao, nhưng Citi nhận định những tác phẩm có giá trị dưới 50.000 USD mới đem lại hiệu suất lợi nhuận tốt nhất, đồng thời cũng có mức rủi ro thấp hơn.
Nên đầu tư vào hội họa ra sao
Citi chỉ ra rằng thị trường hội họa hoạt động mạnh mẽ nhất ở những thời điểm mà lãi suất thấp. Điều này khiến chi phí cơ hội cho các nhà đầu tư giảm xuống và sẵn sàng bỏ tiền mua một tác phẩm.
Ngoài ra, trong một nghiên cứu từ 130.000 tác phẩm hội họa, Citi đã chỉ ra việc nắm giữ một bức tranh với thời gian càng lâu thì càng giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, mức lợi nhuận sẽ cao hơn đối với những tác phẩm thanh khoản, trao đi bán lại nhiều lần.
"Hội họa đã được chứng minh là một nơi lưu giữ tài sản qua năm tháng và nó thừa sức để đánh bại mức lạm phát", Citi tuyên bố.
Công nghệ giúp minh bạch hóa ngành hội họa
Sự thiếu minh bạch trong giá bán chính là một trong những trở ngại với các nhà đầu tư. Tuy nhiên điều này rất có thể sẽ được giải quyết với công nghệ blockchain.
"Các công nghệ kĩ thuật số như Blockchain sẽ giúp tự động hóa nhiều qui trình quan trọng, bao gồm cả xác thực và định giá. Đồng thời với đó, các nhà đầu tư có thể chia sẻ những tác phẩm của mình một cách công khai tới người khác. Giá cả minh bạch, dữ liệu sẵn có, thanh khoản sẽ tăng lên", Citi viết trong báo cáo.
So sánh tỉ lệ sinh lời từ việc mua các tác phẩm nghệ thuật với các loại hình đầu tư phổ biến khác (nghệ thuật đương đại 7,5% và nghệ thuật ấn tượng là 5%). Ảnh: CNBC
Tại Mỹ, theo thống kê những người thuộc thế hệ "Baby Boomer" đang có xu hướng chuyển giao khối tài sản 68.000 tỉ USD cho thế hệ gene X và thế hệ gene Y. Những người thuộc thế hệ sau đang ngày càng quan tâm tới cách họ tiêu tiền và công nghệ blockchain rất có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong các giao dịch của họ.
Lợi nhuận, nhưng nhiều rủi ro
Mặc dù mức lợi suất trung bình từ việc đầu tư vào hội họa có thể so sánh với trái phiếu, nhưng rõ ràng thị trường hội họa cũng vẫn có những rủi ro song hành.
Nên nhớ rằng mức lợi suất trung bình được đo trong dài hạn. Sẽ có những thời điểm giá trị tác phẩm hội họa tăng vọt nhưng sẽ có thời điểm lợi suất không như kì vọng, thậm chí thấp hơn.
Theo thống kê, độ lệch chuẩn của mức lợi suất trung bình với các tác phẩm hội họa nói chung là 14,9% và 25,8% cho các tác phẩm đương đại. Các tác phẩm của tác giả khác nhau sẽ đem về mức lợi nhuận trung bình khác nhau.
Ngoài ra, tác phẩm hội họa giống như tài sản bất động sản, rất khó thanh khoản. Để sang tay, các bên cần có quá trình thẩm định và định giá rất tốn thời gian. Trong khi đó cổ phiếu và trái phiếu có thể bán đi gần như ngay lập tức.
Và cuối cùng, dù đã thống kê kĩ càng nhưng thị trường hội họa vẫn có rất nhiều những vụ mua bán "lậu" không công khai. Do đó việc xác định rõ một cách chính xác, minh bạch 100% về các tác phẩm là việc tương đối bất khả thi.