Chia sẻ
Theo các chuyên gia, đây là tín hiệu vui ngay trong những ngày đầu năm 2018 trong lĩnh vực xuất khẩu của sản phẩm thuần Việt sang thị trường được xem là khó tính nhất thế giới. Theo TS Trần Du Lịch, với sự kiện này, NutiFood - một doanh nghiệp dân doanh, thuần túy Việt Nam, được xem là “con chim Việt” đầu đàn đưa ngành chế biến sữa của nước ta vươn ra thế giới.
Theo ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, sữa và các sản phẩm từ sữa là những thực phẩm quan trọng cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển của con người.
Ngành sữa Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào nền kinh tế của đất nước với mức tăng trưởng nhanh chóng, năm sau luôn cao hơn năm trước, trung bình từ 15-17%/năm.
Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, năm 2015, Việt Nam sản xuất 1,9 tỷ lít sữa tươi, mức tiêu thụ đạt trung bình 21lít/người/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 90-100 triệu USD.
Đến năm 2020, Việt Nam sản xuất 2,6 tỷ lít, mức tiêu thụ 27lít/người/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 120-130 triệu USD và đến năm 2025, sản xuất 3,4 tỷ lít, mức tiêu thụ 34lít/người/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 150-200 triệu USD.
Theo số liệu chưa đầy đủ, năm 2017 vừa qua, doanh thu toàn ngành sữa đạt trên 100.000 tỷ đồng (tăng 10,5% so với năm 2016), sản phẩm sữa tươi 1.333,4 triệu lít (tăng 6,6% so với năm 2016), sữa bột đạt 127,4 nghìn tấn (tăng 10,4% so với năm 2016); nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa 868 triệu USD (tăng 1,9% so với năm 2016); kim ngạch xuất khẩu đạt trên 300 triệu USD; đàn bò sữa tính đến tháng 10-2017 đạt 301.649 con (tăng 10% so với năm 2016) và mức tiêu thụ sữa bình quân là 26 lít.
Đạt được những kết quả nêu trên, trong những năm qua các doanh nghiệp của ngành sữa đã không ngừng quan tâm đầu tư, nâng cấp với hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ, tự động hóa, áp dụng công nghệ tiên tiến của các hãng có uy tín lớn trên thế giới như: Tetra Pak, Delaval (Thụy Điển); APV (Đan Mạch); DEA, Benco Pak (Italia); Combibloc (Đức)...
Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008 và hiện đa số các doanh nghiệp đã và đang triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 22.000, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng HACCP.
Nhiều doanh nghiệp đã liên kết với các viện nghiên cứu về dinh dưỡng trong và ngoài nước tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Trong thời gian qua một số doanh nghiệp đã hướng đầu tư sản xuất ra nước ngoài, xuất khẩu sang một số nước ở châu Á và Trung Đông chủ yếu với dòng sản phẩm như sữa nước, sữa chua…
Là một quốc gia đông dân, năm 2016 trên 93 triệu người và mức tăng dân số cao khoảng 1,2%/năm; tỷ lệ tăng trưởng GDP 6-8%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng 14,2%/năm, xu thế cải thiện sức khỏe và tầm vóc của người Việt Nam khiến cho nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sữa luôn giữ mức tăng trưởng cao.
Dự báo đến năm 2020, mức tiêu thụ sữa sẽ tăng lên trên 28 lít sữa/năm/người. Tiềm năng của ngành sữa nói chung và nhu cầu dinh dưỡng thông thường, dinh dưỡng dùng y học (dùng cho trẻ nhỏ, người già và người bệnh),... nói riêng còn rất lớn.
“Để hoàn thành các chỉ tiêu theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đề ra và góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đọan 2011-2020 và tầm nhìn 2030 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới các doanh nghiệp ngành sữa không ngừng quan tâm đầu tư nguồn nguyên liệu trong nước, nâng cao dây chuyền sản xuất hiện đại, nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng đa dạng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu”, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam ông Trần Quang Trung cho biết.
Thái Bình