Sửa quy định công ty đại chúng: Lợi bất cập hại
Ảnh Internet |
Theo đó, doanh nghiệp sẽ dễ dàng hủy đăng ký công ty đại chúng hơn, trong khi chuẩn công ty đại chúng được đề xuất nâng cao thành “vốn điều lệ đã góp từ 50 tỷ đồng trở lên, số lượng cổ đông tối thiểu là 200 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”.
Luật Chứng khoán 2006 quy định công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc 1 trong 3 loại hình, bao gồm: (a) công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng; (b) công ty có cổ phiếu được niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán và (c) công ty có cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng trở lên.
"Quy định buộc doanh nghiệp đại chúng lên sàn “làm phiền” lớn đến nhóm doanh nghiệp nhỏ". - Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Giám đốc Vĩ mô tài chính Công ty Chứng khoán VPBS. |
Cũng theo quy định của Luật Chứng khoán, 2 trường hợp trên đương nhiên là công ty đại chúng, đối với công ty thuộc trường hợp thứ ba (c) thì phải đăng ký công ty đại chúng với Uỷ ban Chứng khoán Nhà Nước (UBCK).
Đánh giá của Bộ Tài chính cho rằng, quy định trên dẫn đến những bất cập trong việc hủy công ty đại chúng của doanh nghiệp (thực tế là không thể hủy được với trường hợp quy định tại điểm a, b). Do vậy, điều kiện hủy đăng ký công ty đại chúng mới chỉ quy định cho loại hình công ty tại điểm c khoản 1 Điều 25 Luật Chứng khoán (công ty có 10 tỷ đồng vốn điều lệ và 100 cổ đông trở lên).
Mặc dù vậy, hiện trạng thực tế cho thấy, có một số doanh nghiệp đã chào bán ra công chúng và có cổ đông giảm xuống dưới 100 cổ đông, muốn hủy tư cách công ty đại chúng để tập trung vào quản trị công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tuy nhiên, không có cơ chế cụ thể.
Liên quan đến tiêu chí vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng trở lên và 100 cổ đông đối với công ty đại chúng, phía Bộ Tài chính cho rằng, đây là tiêu chí tương đối thấp so với quy mô của các công ty đại chúng hiện tại.
Thực tiễn quản lý cho thấy có nhiều công ty đại chúng với quy mô vốn nhỏ, thường ít kinh nghiệm trong công tác quản trị công ty, thiếu hiểu biết về các quy định trên TTCK, không đủ năng lực để đáp ứng các yêu cầu cao về quản trị công ty, công bố thông tin, kiểm toán và các nghĩa vụ khác của công ty đại chúng theo quy định.
Với thực trạng trên, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi khái niệm về công ty đại chúng để có khái niệm thống nhất và rõ ràng về đối tượng quản lý là công ty đại chúng, đồng thời tương thích với việc hủy khi không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng, không bị ràng buộc bởi điều kiện về niêm yết hay điều kiện về chào bán ra công chúng. Bên cạnh đó, nâng cao điều kiện về vốn điều lệ đã góp lên 50 tỷ đồng, số lượng cổ đông tối thiểu là 200 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Bình luận về đề xuất này, bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Giám đốc Vĩ mô tài chính Công ty Chứng khoán VPBS cho rằng, việc nâng chuẩn vốn điều lệ là cần thiết bởi thực tế doanh nghiệp có vốn điều lệ 10 tỷ đồng là các doanh nghiệp rất nhỏ, khó đáp ứng các quy định của công ty đại chúng.
“Quy định buộc doanh nghiệp đại chúng lên sàn “làm phiền” lớn đến nhóm doanh nghiệp nhỏ bởi lên sàn tốn kém chi phí, trong khi đăng ký giao dịch tại UPCoM thì mức độ cải thiện sự minh bạch cũng không cao”, bà Linh cho hay.
Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán BSC nhận định, việc nâng chuẩn vốn điều lệ với công ty đại chúng đơn thuần có thể hiểu là cách để nhà chức trách quản lý doanh nghiệp trên thị trường về quy mô. Tác động cụ thể ở đây là các cổ đông muốn doanh nghiệp mình lên sàn để minh bạch và có nơi giao dịch cổ phiếu sẽ chịu thiệt thòi nếu doanh nghiệp không chủ động lên sàn.
Thực tế, theo quy định hiện hành (Quyết định 51/2014/QĐ-TTg và Thông tư 180/2015/TT-BTC), các doanh nghiệp đại chúng nếu không niêm yết đều bắt buộc phải lên UPCoM. Để tránh né các nghĩa vụ của công ty đại chúng theo luật định, trước đây nhiều công ty đại chúng đã áp dụng “chiêu” đặc biệt, đó là giảm số lượng cổ đông xuống dưới 100, điều từng gây nhiều bức xúc và nghi ngờ bởi danh sách cổ đông chỉ có lãnh đạo công ty được biết.
Có ý kiến cho rằng, nếu chuẩn mới được áp dụng, không cần dùng “chiêu” cũng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp không phải lên sàn và cổ đông đành chấp nhận việc “ôm” cổ phiếu lâu dài.
Một khía cạnh khác, việc nâng điều kiện đồng thời cho phép hủy công ty đại chúng với các doanh nghiệp (đã lên sàn hoặc đã chào bán chứng khoán) tạo ra những cơ hội “lách” luật cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn, theo ông Khoa, trường hợp các doanh nghiệp đang trong quá trình thâu tóm sẽ được lợi khi có thể hủy công ty đại chúng, nhờ đó không phải công bố thông tin về hoạt động của mình ra bên ngoài, tránh được rủi ro trong khi tiến hành thâu tóm…
Một số ý kiến khác từ giới đầu tư cho rằng, ở đây đặt ra vấn đề, doanh nghiệp có thể rút khỏi sàn chứng khoán vì không còn là công ty đại chúng, khi đó nhà đầu tư có kịp trở tay? Hiện tại, điều kiện niêm yết tại HNX ở các tiêu chí vốn và cổ đông còn thấp hơn điều kiện này, như vậy, nhiều công ty có thể rút khỏi sàn niêm yết mà cũng không phải lên UPCoM do không còn là công ty đại chúng.