Sự xuất hiện của Hoa Tháng Năm và nhà đầu tư mắc kẹt hơn nghìn tỉ tại đất vàng 8-12 Lê Duẩn
Ngày 9/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP HCM và bà Lê Thị Thanh Thúy, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm và CTCP Đầu tư Lavenue.
Quyết định khởi tố và bắt tạm giam hai bị can trên nằm trong quá trình điều tra mở rộng vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" liên quan đến dự án tại khu đất vàng số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP HCM.
Khách sạn 5 sao trên đất vàng Lê Duẩn
Vào năm 2007, UBND TP HCM có chủ trương sử dụng khu đất 8-12 Lê Duẩn để xây dựng khách sạn 5 sao, trong đó có một phần là trung tâm thương mại.
Theo đó, UBND thành phố giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà TP HCM thu hồi và quản lí mặt bằng trong thời gian chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án.
Đồng thời, UBND thành phố cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư nhưng không áp dụng hình thức liên doanh.
Theo đề nghị của Bộ Công Thương và sau nhiều lần thay đổi chủ trương, tháng 10/2010 UBND TP HCM đồng ý phương án thành lập Công ty cổ phần để thực hiện dự án trên, sau này là CTCP Đầu tư Lavenue.
Theo dự kiến, cổ đông sáng lập đơn vị thực hiện dự án sẽ bao gồm: Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà TP HCM sở hữu 50% vốn và 4 đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương bao gồm Công ty Thiết bị phụ tùng Miền Nam (nay là CTCP Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn - Mã: SMA), Công ty Kim khí Miền Nam (nay là CTCP Kim khí TP HCM - Mã: HMC), Công ty Hóa chất Vật liệu điện Miền Nam (nay là Công ty Hóa chất Vật liệu điện TP HCM) và CTCP Vận tải Xăng dầu Vitaco (Mã: VTO) - mỗi đơn vị góp 12,5% vốn.
Dự án Lavenue Crown tại khu đất số 8-12 Lê Duẩn do Lavenue làm chủ đầu tư. Ảnh: Hiếu Quân
Sự xuất hiện của Hoa Tháng Năm
Thông tin cập nhật đến ngày gần nhất, Hoa Tháng Năm và Lavenue đều có trụ sở chính tại số 12 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM, do bà Lê Thị Thanh Thúy làm Chủ tịch HĐQT.
Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm được thành lập vào ngày 6/4/2010. Đúng 4 tháng sau khi thành lập, tức vào ngày 6/8/2010, Hoa Tháng Năm đã gửi văn bản đến Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà TP HCM đề nghị được hợp tác đầu tư dự án.
Trên cơ sở đề nghị của Hoa Tháng Năm, ngày 11/8/2010, Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà TP HCM đã gửi công văn đề nghị UBND TP HCM cho phép Hoa Tháng Năm được góp 30% trong phần vốn góp 50% của công ty trong dự án. Đến ngày 17/8/2010, UBND thành phố ra thông báo chấp thuận đề xuất trên.
Theo Biên bản làm việc với Thanh tra TP HCM ngày 8/4/2013, Hoa Tháng Năm xác nhận từ ngày thành lập, công ty chưa tham gia thực hiện bất cứ một dự án nào, về năng lực tài chính cũng không có cơ quan nào thẩm định cũng như kết luận công ty có năng lực tài chính.
KIDO mắc kẹt nghìn tỉ như thế nào?
Ngày 20/8/2010, 4 công ty trực thuộc Bộ Công Thương đã kí thỏa thuận nguyên tắc với Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô, nay là Công ty TNHH Đầu tư KIDO, thành viên của CTCP Tập đoàn KIDO (Mã: KDC).
Theo đó, 4 công ty trực thuộc Bộ Công Thương cùng cam kết sẽ chuyển nhượng quyền sở hữu toàn bộ vốn góp của mình trong Công ty cổ phần theo giá trị chuyển nhượng tự thỏa thuận.
Thời gian hoàn tất được qui định là mỗi công ty trực thuộc Bộ Công Thương thực hiện kí hợp đồng chuyển nhượng ngay khi 4 công ty trực thuộc Bộ Công Thương chính thức trở thành cổ đông sáng lập của CTCP Đầu tư Lavenue.
Ngày 15/9/2010, 4 công ty trực thuộc Bộ Công Thương đã kí hợp đồng vay vốn của Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô với khoản vay của mỗi đơn vị có giá trị 12,5 tỉ đồng để góp đủ số vốn thành lập CTCP Đầu tư Lavenue có vốn góp ban đầu 100 tỉ, tương ứng mỗi công ty sở hữu 12,5% vốn điều lệ.
Kết quả điều tra tại Văn bản số 2490/BCA-A61 ngày 4/11/2015 của Bộ Công an đối với việc sử dụng số tiền chênh lệch khi 4 công ty trực thuộc Bộ Công Thương chuyển nhượng quyền đầu tư cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô cho thấy, "sau khi nhận được lợi nhuận 50 tỉ đồng/1 công ty, 4 công ty đều có kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 25% cho Nhà nước và đưa sổ sách doanh nghiệp.
Số tiền còn lại, 4 công ty sử dụng chia cổ tức, đầu tư dự án thủy điện hoặc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới".
Tại Kết luận Thanh tra Chính phủ ngày 4/5/2018, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của 4 công ty trực thuộc Bộ Công Thương trong việc chuyển nhượng quyền đầu tư dự án không đúng qui định của pháp luật và yêu cầu 4 công ty hoàn trả lại số tiền 200 tỉ đồng cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô.
Ngày 10/9/2010, CTCP Đầu tư Lavenue chính thức được thành lập. Đến ngày 29/10/2010, 4 công ty trực thuộc Bộ Công Thương kí hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần tại Lavenue cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (hiện nay là KIDO).
Theo đó, mỗi đơn vị chuyển nhượng 1,25 triệu cp với giá chuyển nhượng 50.000 đồng/cp. Như vậy, ước tính, KIDO đã chi 250 tỉ đồng để sở hữu 50% vốn tại CTCP Đầu tư Lavenue.
Tuy nhiên, đang chú ý là theo thông tin từ KIDO công bố trên báo cáo tài chính năm 2010, doanh nghiệp này cho biết đã đầu tư đến 600 tỉ đồng để đổi lấy 50% cổ phần tại công ty đầu tư dự án trên đất vàng 8-12 Lê Duẩn.
Như vậy, đã có sự chênh lệch khá lớn giữa con số ước tính và con số mà KIDO ghi nhận nói trên.
Trong khi đó, cơ cấu cổ đông của Lavenue không thay đổi nào khác kể từ khi KIDO tiếp nhận sở hữu. Vốn điều lệ của Lavenue cũng chỉ được tăng lên 200 tỉ đồng vào tháng 9/2011 trước khi tăng lên 700 tỉ đồng năm 2015.
Tại lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần lần thứ 6 năm 2016, cơ cấu cổ đông của Lavenue và số tiền thực tế đã góp thay đổi như sau: Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà TP HCM (20%, 155 tỉ đồng), Hoa Tháng Năm (30%, 232,5 tỉ đồng) và KIDO (50%, 387,5 tỉ đồng).
Báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán 2010 của CTCP Tập đoàn KIDO (Mã: KDC) ghi nhận, Lavenue là công ty liên doanh đồng kiểm soát do Tập đoàn KIDO sở hữu 50% vốn, giá trị đầu tư tại thời điểm 31/12/2010 là 600 tỉ đồng. (Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán 2010 của Tập đoàn KIDO)
Tại BCTC kiểm toán 2018 của Tập đoàn KIDO cho biết, Lavenue là chủ đầu tư dự án Lavenue Crown tọa lạc tại số 8-12 Lê Duẩn. Việc thực hiện đầu tư dự án này của Lavenue đã và đang được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra.
Tuy nhiên, cho đến ngày lập BCTC hợp nhất kiểm toán 2018, Tập đoàn KIDO chưa nhận được bất kì thông báo hay quyết định chính thức nào từ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với dự án. Ban Tổng Giám đốc công ty sẽ tiếp tục thực hiện tích cực các phương án xử lí phù hợp trong tương lai.
Ngoài ra, KIDO dù sở hữu cổ phần lớn nhất (50%) nhưng dường như không phải là người đưa ra quyết định chính tại Lavenue. Ngược lại, dù Hoa Tháng Năm chỉ nắm 30% quyền biểu quyết và cho đến nay vẫn chưa biết công ty này đã bỏ vốn vào Lavenue hay chưa nhưng bà Lê Thị Thanh Thúy, Chủ tịch Hoa Tháng Năm vẫn nắm giữ ghế chủ tịch Lavenue.
Điều này cũng lý giải vì sao trong nhiều năm qua, lãnh đạo KIDO nhiều lần không chắc chắn về việc triển khai trước câu hỏi của các cổ đông công ty vì sao chậm triển khai dự án đất vàng.
Rót cả nghìn tỉ vào dự án 8-12 Lê Duẩn là khoản đầu tư từng được các cổ đông KIDO kì vọng khi chứng kiến giá bất động sản trung tâm TP HCM tăng mạnh trong những năm qua. Tuy nhiên, đã gần 10 năm, dự án chưa thể triển khai đã khiến mọi kế hoạch kinh doanh của "ông lớn" gặp trục trặc.
Tính đến ngày 30/6/2019, giá trị đầu tư của KIDO tại Lavenue ghi nhận gần 1.088 tỉ đồng. Và cũng lần đầu tiên trong BCTC, Tập đoàn KIDO công bố khoảng lỗ sau khi mua Lavenue là hơn 17 tỉ đồng tại ngày 30/6/2019.
Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp
Khu đất số 8-12 Lê Duẩn có tổng diện tích hơn 4.896 m2, gồm hai phần: Khu đất tại số 8 Lê Duẩn (3.433 m2) và khu nhà, đất số 12 Lê Duẩn (1.463 m2).
Khu đất tại số 8 Lê Duẩn trước năm 1975 thuộc tài sản của Công ty Esso Eastern, INC. Sau năm 1975, Bộ Vật tư (nay là Bộ Công Thương) tiếp quản, giao cho Liên hiệp cung ứng vật tư Khu vực II – Bộ Vật tư tiếp quản.
Năm 1985, Liên hiệp cung ứng vật tư Khu vực II giao lại cho ba đơn vị trực thuộc gồm: Công ty Thiết bị phụ tùng Miền Nam (nay là CTCP Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn - Mã: SMA), Công ty Kim khí Miền Nam (nay là CTCP Kim khí TP HCM - Mã: HMC) và Công ty Hóa chất Vật liệu điện Miền Nam (nay là Công ty Hóa chất Vật liệu điện TP HCM).
Ba đơn vị này trực tiếp sử dụng khu đất trên và kí hợp đồng thuê nhà với Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP HCM, nay là Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà TP HCM.
Đối với khu nhà, đất số 12 Lê Duẩn, có nguồn gốc thuộc tài sản Công ty Shell và sau năm 1975 cũng do Bộ Vật tư tiếp quản. Năm 1990, Bộ Vật tư ra quyết định chuyển đổi trụ sở làm việc của Công ty Vận tải nhiên liệu Vitaco (nay là CTCP Vận tải Xăng dầu Vitaco - Mã: VTO) về khu đất này.
Sau khi hai khu đất trên được xác lập quyền sở hữu Nhà nước, Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà TP HCM tiếp tục quản lí và kí hợp đồng cho thuê nhà, đất với 4 đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương: Công ty Hóa chất Vật liệu điện TP HCM, CTCP Kim khí TP HCM, CTCP Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn và CTCP Vận tải Xăng dầu Vitaco.