|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sự tăng trưởng công ty mẹ Shopee 'bốc hơi' cùng làn sóng bùng nổ trực tuyến Đông Nam Á

07:47 | 07/03/2023
Chia sẻ
Tăng trưởng doanh thu của Sea dự kiến ​​sẽ bị đình trệ. Điều này đánh dấu một sự đảo ngược đáng kể so những gì mà gã khổng lồ về trò chơi và thương mại điện tử từng làm được - thứ đưa Sea trở thành biểu tượng cho sự bùng nổ internet của Đông Nam Á.

Sea - công ty mẹ của Shopee được dự đoán là qua được sóng gió. (Ảnh: Reuters).

Tờ Bloomberg đưa ra nhận định trước thời điểm ông lớn internet này công bố doanh số bán hàng trong quý cuối năm 2022. Dựa trên dự đoán của các nhà phân tích, con số này có thể giảm 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đó sẽ là sự sụt giảm đầu tiên được ghi nhận và phản ánh sự sa sút rõ nét của Sea sau những động thái gần đây như rút lui khỏi các thị trường ở Ấn Độ, Châu Mỹ Latinh và Châu Âu; đóng băng tiền lương và thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng khác nhằm thúc đẩy lợi nhuận trên tăng trưởng thị phần.

Trong trường hợp Sea đạt được mức tăng doanh thu thì đó vẫn là một bước ngoặt "đau đớn" đối với công ty internet lớn nhất Đông Nam Á.

Hai năm trước, các nhà đầu tư đã đổ xô vào Sea khi công ty đang thúc đẩy sự bùng nổ sử dụng trực tuyến trong thời kỳ đại dịch. Tuy vậy, hậu đại dịch COVID-19, kết hợp với áp lực từ lạm phát và lo lắng về suy thoái kinh tế đã xóa đi khoảng 166 tỷ USD giá trị thị trường của Sea kể từ mức cao nhất là 202,6 tỷ USD từng được ghi nhận vào tháng 10/2021.

Ju Ye Lee, nhà kinh tế tại Tập đoàn Ngân hàng Đầu tư Maybank ở Singapore, cho biết: “Lãi suất có thể sẽ cao hơn trong thời gian tới khi áp lực từ lạm phát vẫn còn, tạo ra một năm đầy thách thức cho lĩnh vực internet ở Đông Nam Á."

Hiện tại, các nhà đầu tư của Sea có thể không quá lo lắng về tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, nhưng thay vào đó họ có thể tập trung vào chỉ số mấu chốt sẽ được công bố sắp tới. Sea đã liên tục giảm lỗ trong những quý gần đây bằng cách thực hiện các biện pháp bao gồm cắt giảm hàng nghìn việc làm và đóng băng tiền lương trên diện rộng.

Nhưng sự sụt giảm doanh thu cho thấy mối quan hệ của các nhà đầu tư với các công ty internet trong khu vực đang nguội lạnh nhanh chóng như thế nào. Sự sụt giảm đó được gói gọn trong năm ngoái bởi sự sụp đổ của Zilingo, bên cạnh đợt bán tháo cổ phiếu đã nhấn chìm các công ty cùng ngành với Sea, như Grab Holdings hay GoTo Group.

Hiện tại, các nhà đầu tư sẽ đánh giá xem mảng game và TMĐT của Sea với hai đại diện là Garena và Shopee tiết kiệm chi phí tốt như thế nào. Về lâu dài, nhà đầu tư sẽ muốn nghe những kế hoạch chắc chắn để lấy lại phần nào sự tăng trưởng vượt bậc từng giúp Sea trở thành "con cưng" của thị trường trong những năm qua.

"Quy mô và khả năng dẫn đầu thị trường TMĐT của Shopee sẽ thu hút nhiều người bán hơn tham gia vào các dịch vụ dựa trên giao dịch, có lợi nhuận cao hơn, giúp tăng tỷ lệ chấp nhận và doanh thu thương mại điện tử.

Những điều này, cùng với chi phí nhân viên thấp hơn trong bối cảnh cắt giảm việc làm và chi tiêu quảng cáo, có thể giúp làm giảm khoản lỗ ròng trong quý IV/2022 của Sea xuống còn khoảng 400 triệu USD so với khoản lỗ 484,8 triệu USD trong quý IV/2021," nhà phân tích Nathan Naidu nhận định.

Thùy Trang

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.