|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cổ phiếu công ty mẹ Shopee lao dốc, tài sản hai đồng sáng lập 'bốc hơi' gần tỷ USD

16:21 | 16/11/2023
Chia sẻ
Sau ba quý liên tiếp có lãi, Sea - công ty mẹ Shopee báo lỗ trong quý III kéo theo khối tài sản của các nhà sáng lập giảm mạnh.

Hai nhà đồng sáng lập của Sea - công ty mẹ của Shopee đã chứng kiến ​​giá trị tài sản ròng của họ giảm 995 triệu USD chỉ sau một đêm khi công ty báo cáo kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý III.

Theo Forbes , cổ phiếu của Sea đã giảm 22% vào hôm 14/11, khiến tài sản của Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Forrest Li mất đi khoảng 643 triệu USD, kéo khối tài sản ròng của ông xuống còn 2,2 tỷ USD. Biến động của cổ phiếu cũng khiến tài sản của COO Gang Ye mất đi khoảng 352 triệu USD, tài sản ròng về mức 1,7 tỷ USD. Hai người cùng David Chen thành lập Sea Group vào năm 2009.

Ông Forrest Li đứng thứ 18 trong danh sách 50 người giàu nhất Singapore trong danh sách được công bố vào tháng 9 với tài sản ròng là 2,4 tỷ USD. Trong khi, ông Gang Ye đứng thứ 25, với tài sản ròng là 1,8 tỷ USD.  

 Nhà đồng sáng lập Sea, Forrest Li. (Ảnh: Bloomberg).

Sea báo cáo doanh thu quý III là 3,3 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lỗ ròng 144 triệu USD sau ba quý liên tiếp báo lãi, khiến cổ phiếu ngập sắc đỏ. Doanh thu từ mảng kinh doanh thương mại điện tử Shopee, đóng góp khoảng 2/3 doanh thu của công ty, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước lên 2,2 tỷ USD.

Ông Li cho biết: “Sự gia nhập của một số đối thủ mới đã làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường của chúng tôi. Khi thị trường ổn định, ai còn trụ lại sẽ có lợi nhuận bền vững.” 

Shopee đang phải đối mặt với sự cạnh tranh liên tục từ các đối thủ như Lazada và TikTok, cũng như đối thủ mới Temu của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc PDD.

Trong cuộc họp nhà đầu tư quý trước, ông Li cho biết Sea sẽ tăng cường đầu tư vào thương mại điện tử mặc dù điều này có thể dẫn đến thua lỗ cho Shopee và toàn bộ tập đoàn trong một khoảng thời gian nhất định.

Thùy Trang

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.