|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sau khoảng thời gian lao đao, Shopee bất ngờ lại trở thành 'điểm sáng' của Sea

09:30 | 26/11/2022
Chia sẻ
Ở thời điểm hiện tại, bức tranh hoạt động của Shopee tươi sáng hơn rất nhiều so với thời điểm vài tháng trước đó.

Sau một vài tháng khó khăn, tình hình dường như đã bắt đầu êm dịu hơn với Sea Group và Shopee đóng một vai trò quan trọng trong giai đoạn ổn định hơn này, theo Tech in Asia.

Mảng TMĐT của Sea ghi nhận 51% tăng trưởng doanh thu dịch vụ trong quý III/2022 với với cùng kỳ năm 2021. Con số này cao hơn so với tốc độ tăng 28% của chi phí sinh ra doanh thu đồng thời cải thiện biên lợi nhuận gộp khu chi phí marketing và bán hàng giảm 16%.

(Ảnh: Shopee). 

“Các hành động bên trong Sea đã thúc đẩy Shopee hướng đến lợi nhuận”, ông Forrest Li, CEO Sea, nói. Ông nhấn mạnh thêm rằng Sea hướng đến mức tiêu hoà vốn trên cơ sở EBITDA sau điều chỉnh đối với Shopee vào năm 2023.

Đây thực sự là một tia sáng với Sea sau khi sa thải hàng loạt nhân nhận tại Shopee đồng thời rút khỏi nhiều thị trường trong năm nay, đặc biệt là giữa lúc mảng giải trí Garena chững lại.

Điều gì đang chờ đợi “ông lớn” TMĐT này?

Các đối thủ mới và cũ

Trong buổi báo cáo họat động kinh doanh, Sea nói rằng phần lớn các thị trường Châu Á, bao gồm Indonesia, đã đạ đến trạng thái số dư đảm phí (contribution margin) dương. Thị trường Đài Loan và Malaysia thậm chí đã đạt được chỉ số EBITDA dương trong quý III năm nay.

Tổng cộng, các thị trường Châu Á của Sea ghi nhận khoản lỗ EBITDA 217 triệu USD, tương đương tỷ trọng 44%.

Phần lớn của thực tế này dường như đến từ các khoản cắt giảm “có ý nghĩa” chi phí marketing “đặc biệt là trợ giá giao hàng”, ông Li nhấn mạnh. Dù vậy, các khoản trợ giá này chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng Sea trong những năm gần đây.

Câu hỏi đặt ra là liệu Shopee có thể vượt trội và hấp dẫn hơn so với các đối thủ nếu như không còn các khuyến mại “free ship” hấp dẫn?

Tin tốt đối với Shopee là theo các ước tính của các bên thứ 3, Shopee vẫn đang là sàn TMĐT đứng đầu về lượng  người dùng hoạt động ở các thị trường như Indonesia, Philippines và Việt Nam (3 quốc gia có dân số lớn nhất Đông Nam Á). Ở Indonesia, Shopee có lượng người dùng hoạt động hàng tháng gấp 1,5 lần sàn TMĐT đứng thứ 2 là Tokopedia.

(Ảnh: Tech in Asia). 

Dù vậy, các đối thủ như Lazada dường như đang tăng tốc cho một đợt cạnh tranh mới trong bối cảnh Alibaba đang tích cực rót thêm vốn và dành nhiều tập trung hơn cho thị trường ĐÔng Nam Á. Sàn TMĐT của Alibaba đang “người tám lạng, lẻ nửa cân” với Shopee ở Singapore và Thái Lan.

Lazada cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào fintech, bao gồm Dana (Indonesia) và TNG Digital (Malaysia), để tăng cường khả năng cạnh tranh với Sea Money trong khi chuẩn bị mở rộng sang Châu Âu.

Một đối thủ tiềm năng khác là TikTok của ByteDance mặc dù TikTok Shop vẫn đang giai đoạn “khởi động”. Năm ngoái, TikTok Shop ghi nhận 950 triệu USD tổng giá trị hàng hoá (GMV) trong năm 2021, thấp hơn khá nhiều so với con số GMV 19,1 tỷ USD chỉ trong quý III/2022.

(Ảnh: TikTok Shop).

Một số ước tính của các bên thứ ba cho thấy TikTok đã vượt qua Shopee về lượng người dùng hoạt động hàng tháng ở Indonesia.

Các nhà phân tích đang ngày càng đánh giá cao mối đe doạ đến từ TikTok. Trong buổi báo cáo kết quả hoạt động quý III của GoTo, Ferry Wong của Citigroup chia sẻ rằng các thảo luận của ông với các công ty logistics ở Indonesia cho thấy các đơn hàng liên quan đến TikTok có thể tương đương 1/3 số lượng đơn hàng của Shopee.

Momentum Works cho biết ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đang nhắm đến mục tiêu GMV đạt 211 tỷ USD trong năm 2022 ở tất cả các thị trường, phần lớn đến từ Trung Quốc.

Đặt cược vào logistics?

Khi các thị trường Châu Á của Shopee chín muồn, các quốc gia như Brazil hay Ba Lan là điểm đến cho tăng trưởng mới. Trong báo cáo mới của mình, Momentum Works đánh giá Ba Lan có nhiều điểm tương đồng với Indonesia đồng thời có hạ tầng TMĐT phong phú nhờ sự có mặt của các sàn TMĐT địa phương như Allegro.

Trên thực tế, Brazil có thể là thị trường “thay đổi cuộc chơi” của Shopee. Tại thị trường này, doanh thu theo tiêu chuẩn kế toán GAAP của Shopee đang tăng 225% mỗi năm.

Dĩ nhiên, thành công của Shopee tại đây đang bị các đối thủ để mắt. AliExpress (Alibaba) cũng đang có mặt ở Brazil dù lượng người dùng hoạt động hàng tháng chưa bằng Shopee. Cùng thời điểm, sàn TMĐT Mercado Libre vẫn đang dẫn trước Shopee dù khoảng cách đang ngày càng thu hẹp.

Với Alibaba, các động thái ở thị trường Brazil được thể hiện qua công ty logistics Cainiao vừa mới mở trụ sở Mỹ Latinh ở Sao Paulo đầu tháng này.

(Ảnh: Alibaba). 

Cainiao nói rằng nó chịu trách nhiệm giao phần lớn đơn hàng của AliExpress ở Brazil thông qua 8 máy bay giao hàng đến và đi từ Trung Quốc. Nó cũng làm việc với các nhà bán hàng Brazil để thực hiện giao các đơn hàng nội địa giữa hơn 1.000 thành phố.

Liệu Shopee có đang áp dụng một chiến lược tương tự? Shopee bắt đầu mở rộng năng lực logistics Shopee Xpress vào năm 2020, mặc dù điều này chủ yếu là để lấp đầy các khoảng trống mà đối tác bên thứ ba chưa thể đáp ứng.

Hiện tại, Shopee Xpress giao hàng đặt trên Shopee và không mở cửa cho các khách hàng bên ngoài. Dù vậy, có nhiều dấu hiệu cho thấy Shopee đang ấp ủ nhiều tham vọng với mảng logistics. Ví dụ, ở Indonesia, Shopee đang vận hành 2.400 điểm dịch vụ và 170 trung tâm xử lý hàng hoá Shopee Xpress.

Ở thời điểm hiện tại, bức tranh tổng quát với Shopee sáng sủa hơn nhiều so với một vài tháng trước đó. Dù vậy, mọi chuyện vẫn có thể thay đổi. Các thay đổi của Sea như tăng tỷ lệ thu phí và quảng cáo trả phí có thể ảnh hưởng đến các nhà bán hàng trên Shopee.

Ông Li nhấn mạnh các nhà bán hàng vẫn đang phản ứng tích cực với tỷ lệ phí tăng và các dịch vụ trả phí và “họ tiếp tục đầu tư vào sàn TMĐT này”. Cùng thời điểm, các yếu tố vĩ mô cũng có thể ảnh hưởng đến sức mua của khách hàng.

Nam Khánh