|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sự lên ngôi của những mô hình nền tảng trong kinh tế chia sẻ

05:10 | 23/11/2018
Chia sẻ
Các mô hình nền tảng đang thúc đẩy sự biến đổi ở mọi ngóc ngách của nền kinh tế, từ truyền thông, bán lẻ, vận chuyển đến dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.
su len ngoi cua nhung mo hinh nen tang trong kinh te chia se Chủ tịch VMCG: 'Các startup công nghệ thành công đều phát triển nền tảng'

Nhiều năm qua, công dân toàn cầu chứng kiến mô hình kinh doanh đột phá xuất hiện và tăng trưởng với tốc độ choáng ngợp. Từ Google, Amazon cho đến Uber, Airbnb và e Bay... những công ty phát triển nhanh nhất, tạo nên đột phá mạnh mẽ nhất đều là những mô hình nền tảng. Người ta ý thức được sức mạnh của những mô hình kinh doanh đó và hiểu rằng: Chúng ta đang sống trong thời đại của những nền tảng.

su len ngoi cua nhung mo hinh nen tang trong kinh te chia se
Những mô hình nền tảng thành công trên thế giới. Ảnh mình hoạ.

Nền tảng là gì?

Cuốn sách "Cuộc cách mạng nền tảng" định nghĩa khái niệm nền tảng là một giao dịch dựa trên việc kích hoạt sự tương tác tạo-nên- giá -trị giữa các nhà sản xuất bên ngoài và người tiêu dùng.

Về cơ bản, mô hình nền tảng tạo ra một nơi mà ở đó các nhà sản xuất và người dùng có thể cùng đến để tương tác với nhau và tạo ra giá trị cho cả đôi bên.

Trên thực tế, mô hình này đã tồn tại qua hàng nghìn năm, với dạng đơn giản nhất là những chợ trời truyền thống - nơi những người nông dân và người làm nghề thủ công bán hàng hoá cho những người tiêu dùng địa phương. Sự khác biệt chủ yếu giữa những doanh nghiệp kết nối truyền thống với các doanh nghiệp theo mô hình nền tảng hiện đại chính là sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật số.

Vì các doanh nghiệp nền tảng tạo ra giá trị bằng việc sử dụng các nguồn lực mà chúng không hề sở hữu hay kiểm soát, nên chúng có thể phát triển nhanh hơn so với các doanh nghiệp truyền thống.

Mô hình nền tảng mang lại hai lợi ích kinh tế nổi bật so với mô hình trước đây.

Một trong số những ưu điểm đó là nền kinh tế cận biên vượt trội trong sản xuất và phân phối. Khi các chuỗi khách sạn như Hilton và Sheraton muốn mở rộng, việc xây dựng những căn phòng mới và thuê hàng nghìn nhân viên ngốn nhiều thời gian và chi phí. Trong khi đó, Airbnb mở rộng với chi phí biên gần như bằng không, vì việc cung cấp thêm danh sách các phòng khách sạn trên Internet chỉ đòi hỏi chi phí rất thấp.

Khả năng mở rộng nhanh chóng của một mô hình nền tảng được củng cố thêm bởi những hiệu ứng mạng. Hiệu ứng mạng cho thấy cách thức mà giá trị của một mô hình nền tảng đối với mỗi người tham gia có thể làm tăng số lượng người dùng, qua đó lại làm gia tăng giá trị của dịch vụ hơn nữa. Khi những hiệu ứng này được thúc đẩy gia tăng sản xuất sẽ dẫn đến tiêu thụ nhiều hơn và ngược lại.

Sự thống trị của những mô hình nền tảng

Những nền tảng kết nối đang “nuốt chửng” một phần thế giới. Chúng thúc đẩy sự biến đổi ở hầu hết mọi ngóc ngách toàn bộ nền kinh tế.

Chúng ta đã thấy xu hướng này diễn ra trong ngành công nghiệp truyền thông và mạng xã hội với những cái tên như Facebook, Instagram, WeChat...

Ngành bán lẻ với sự xuất hiện của Amazon hay Alibaba, giao thông vận tải thành phố (Uber, Grab...) và những ngành dịch vụ khách hàng cũng đang chịu sự tấn công mạnh mẽ.

Uber hay Grab đã tạo nên một cuộc cách mạng trong thị trường gọi xe công nghệ. Trong vòng 10 năm, Uber trở thành một kỳ lân giá trị hơn 70 tỷ USD và sẵn sàng cho cột mốc niêm yết cổ phiếu lần đầu tiên (IPO). Sự xuất hiện của "cơn bão" Uber, Grab... và những ứng dụng gọi xe khác khiến số phận ngành taxi truyền thống chao đảo. Ngọn lửa giận dữ của ngành taxi truyền thống bùng cháy khắp mọi nơi - thể hiện qua những hành động đốt xe phản đối, biểu tình cho đến những phiên toà tranh cãi và đối đầu - khiến những nhà làm chính sách đau đầu.

Booking, Agoda, Airbnb hình thành nên khái niệm đại lý du lịch trực tuyến (OTA), trở thành nhà cung cấp dịch vụ lưu trú toàn cầu. Một loạt mô hình OTA xuất hiện với doanh thu khổng lồ: Priceline thu về hơn 12 tỷ USD; Expedia đạt doanh thu 10 tỷ USD và Ctrip với hơn 4 tỷ USD trong năm 2017.

Amazon, từ "cửa hàng bán sách lớn nhất thế giới" trở thành đế chế trong lĩnh vực bán lẻ, với giá trị thị trường có thời điểm vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD. Trong khi những tập đoàn khổng lồ như Nokia, Blackberry đi theo hướng mô hình kinh doanh truyền thống mất 90% giá trị thị trường trong thập niên qua, Apple và Google là những kẻ khổng lồ đi theo mô hình nền tảng đã thống trị thị trường chứng khoán...

Trong các lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, ngân hàng, giáo dục, mô hình nền tảng vẫn gặp một số cản trở. Đây là những ngành công nghiệp có mức độ tập trung thông tin cao nhưng cho đến nay vẫn chống cự lại sự đột phá nền tảng. Điều này phần lớn nhờ vào chế độ luật pháp bảo vệ và chủ nghĩ bảo thủ của người tiêu dùng bị chi phối bởi độ nhạy cảm rủi ro cao.

Khi Youtube hiển thị cho người dùng thấy những video nhạt nhẽo hay vi phạm bản quyền, thiệt hại ít nghiêm trọng hơn nhiều so với việc một nền tảng được quản lý kém kết nối một người đi vay với một người cho vay lừa đảo, một nền tảng giáo dục cho phép một học sinh bậc đại học tiếp cận những thông tin khoa học hay toán học không chính xác, hay một nền tảng y tế kết nối bệnh nhân với một bác sĩ kém cỏi.

Tuy nhiên, trong những lĩnh vực "nhạy cảm" này, những cái tên như Lending Club, Udemy hay Jawbone... vẫn đang tìm cách chen chân và thực hiện những cuộc xâm nhập.

Xem thêm

Tuệ An

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.