|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 8/6 - 12/6: Nhà đầu tư dõi mắt trông theo cuộc họp chính sách của Fed

06:25 | 08/06/2020
Chia sẻ
Trọng tâm chính của thị trường ngoại hối tuần này sẽ là cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Thông qua cuộc họp, nhà đầu tư sẽ cố gắng tìm kiếm thông tin liên quan đến việc nền kinh tế Mỹ có cần thêm kích thích hay không.
Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 8/6 - 12/6: Nhà đầu tư dõi mắt trông theo cuộc họp chính sách của Fed  - Ảnh 1.

Điểm nhấn quan trọng nhất tuần này chính là cuộc họp chính sách của Fed. (Ảnh: Reuters)

Ngoài cuộc họp chính sách của Fed , lịch kinh tế Mỹ tuần này còn có thêm dữ liệu CPI, số lượng hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần và chỉ số niềm tin người tiêu dùng.

Tại châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde sẽ tham dự một điều trần quan trọng nên nhà đầu tư có lẽ sẽ muốn biết thêm dữ kiện xoay quanh chương trình kích thích tài khóa của khối kinh tế chung.

Bên cạnh đó, các nhà giao dịch cũng có thể bất an đôi chút về tăng trưởng GDP của Trung Quốc sau khi chính quyền Bắc Kinh công bố dữ liệu thương mại yếu hơn dự đoán vào ngày 7/6.

1. Cuộc họp chính sách của Fed

Tuyên bố chính sách tiền tệ vào ngày 10/6 tới sẽ đánh dấu lần phiên họp đầu tiên của Fed kể từ tháng 4, khi Chủ tịch Jerome Powell nói rằng nền kinh tế Mỹ có thể phải chịu ảnh hưởng từ lệnh phong tỏa kinh tế trong hơn một năm.

Nhà đầu tư sẽ chăm chú theo dõi quan điểm của Fed về triển vọng kinh tế Mỹ sau khi báo cáo việc làm công bố hôm 5/6 vừa qua cho thấy thị trường lao động Mỹ đã đón nhận thêm việc làm mới - một diễn biến không nhiều chuyên gia lường trước được.

Theo Investing.com, báo cáo việc làm nêu trên phát đi tín hiệu rõ ràng nhất rằng suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra có lẽ đã kết thúc, giúp thị trường chứng khoán tăng điểm và thúc đẩy đợt bán tháo trái phiếu Kho bạc Mỹ trong cùng ngày 5/6.

2. Loạt dữ liệu kinh tế Mỹ

Trong tuần này, chính phủ Mỹ còn cập nhật một số dữ liệu mới như số hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần - chỉ số quan trọng chỉ ra sức khỏe hiện tại của nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Bên cạnh đó, Washington còn công bố thêm chỉ số lạm phát giá tiêu dùng (CPI) và niềm tin người tiêu dùng.

Số hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ đã giảm dần kể từ khi đạt mức kỉ lục 6,8 triệu hồ sơ vào cuối tháng 3. Tuần trước, Mỹ ghi nhận chưa tới 2 triệu hồ sơ xin nhận phúc lợi thất nghiệp, cho thấy kịch bản tồi tệ nhất của thị trường việc làm đã qua.

Trong khi đó, chỉ số CPI được dự đoán sẽ tiếp tục giảm do nhu cầu tiêu dùng của người dân Mỹ đi xuống, còn chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Đại học Michigan có thể tiếp tục tăng trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang dần mở cửa trở lại và thị trường chứng khoán tăng điểm.

3. Chủ tịch ECB điều trần

Vào ngày 8/6, Chủ tịch ECB Christine Lagarde sẽ điều trần thông qua liên kết vệ tinh trước Ủy ban các vấn đề kinh tế và tiền tệ của Nghị viện châu Âu.

Các nhà lập pháp của khối kinh tế chung sẽ có cơ hội đặt câu hỏi về lí do tại sao qui mô chương trình thu mua trái phiếu khẩn cấp trong đại dịch COVID-19 của ECB được nới rộng hơn dự kiến.

Trên mặt trận dữ liệu, Đức sẽ công bố sản lượng công nghiệp tháng 4 vào cùng ngày 8/6, sau đó đến lượt Pháp và Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tuần này. Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực Eurozone, đang đứng trước viễn cảnh suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến thứ hai, ngay cả khi các lệnh phong tỏa đang dần được nới lỏng.

4. Lo ngại về tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc

Dữ liệu thương mại của Trung Quốc hôm 7/6 cho thấy nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa do đất nước tỉ dân sản xuất vẫn còn rất yếu.

Trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc thu hẹp vì các lệnh hạn chế di chuyển tiếp tục kìm hãm nhu cầu, trong khi nhập khẩu giảm mạnh hơn dự đoán cho thấy áp lực đè nén lên các hãng chế tạo khi tăng trưởng kinh tế thế giới chững lại.

Song song với đó, căng thẳng giữa hai siêu cường Mỹ - Trung đang leo thang không ngừng và chưa có dấu hiệu dịu lại.

Mới đây nhất, trong một cuộc họp báo ngắn ngày 5/6, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu các cơ quan quản lí Mỹ đề xuất phương án mới nhằm siết chặt kiểm soát đối với các công ty Trung Quốc niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán New York trong vòng 60 ngày tới như một biện pháp trả đũa Trung Quốc.

Yêu cầu này được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thúc giục các sàn giao dịch chứng khoán trên toàn thế giới siết chặt qui định và tăng cường giám sát đối với các công ty Trung Quốc.

Khả Nhân

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.