Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 6/12 - 10/12: Nhà đầu tư khó rời mắt biến chủng Omicron và số liệu lạm phát của Mỹ
Theo dự đoán của Investing.com, những diễn biến mới xung quanh siêu biến chủng Omicron sẽ tiếp tục là động lực chính tác động đến thị trường ngoại hối tuần này.
Ngoài ra, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã điều chỉnh lập trường chính sách theo hướng "diều hâu" hơn, số liệu lạm phát sắp tới của Mỹ cũng sẽ là một điểm nhấn đáng chú ý.
Ngoài ra, sau khi giảm sốc trên diện rộng hồi cuối tuần qua, thị trường tiền ảo có thể sẽ phục hồi trở lại trong vài ngày tới. Cũng trong tuần này, Anh sẽ công bố số liệu GDP tháng 10, ngay trước thềm cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE).
1. Biến chủng Omicron còn gây bất ổn
Số lượng các quốc gia ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron đang tiếp tục tăng lên, nhưng các nhà khoa học chưa biết liệu Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn các biến chủng khác hay không.
Ngoài ra, giới chuyên gia cũng chưa biết được mức độ nghiêm trọng mà biến chủng Omicron gây ra cho người bệnh và mức độ bảo vệ của vắc xin ngừa COVID-19. Theo dự đoán, có thể phải mất thêm vài tuần nữa để các nhà khoa học tập hợp đủ thông tin về Omicron.
Sự xuất hiện của siêu biến chủng mới khiến thị trường tài chính toàn cầu liên tục chao đảo, đồng thời còn đe dọa triển vọng phục hồi của nền kinh tế thế giới ngay khi nhiều nước nới lỏng phong tỏa hậu biến chủng Delta.
Hôm 3/12, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng cơ quan này có thể hạ ước tính tăng trưởng toàn cầu do biến chủng mới.
2. Dữ liệu lạm phát của Mỹ
Điểm nổi bật trên lịch kinh tế tuần này sẽ là dữ liệu lạm phát giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, dự kiến công bố vào ngày 10/12. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số CPI tháng 10 năm nay tăng 6,2%, xác lập mức đỉnh hơn 30 năm.
Theo dự báo của các nhà phân tích, chỉ số CPI tháng 11 có thể tăng khoảng 6,7%, nguyên nhân là do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy khiến giá cả hàng hóa leo thang chóng mặt.
Nếu số liệu lạm phát tháng 11 tăng mạnh, lập trường chính sách của Fed có thể thay đổi mạnh mẽ hơn. Hiện tại, các nhà hoạch định chính sách đang muốn đẩy nhanh tốc độ tapering (thu mua trái phiếu) để sớm tiến tới tăng lãi suất vào năm sau.
Tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương Mỹ nhiều khả năng sẽ thảo luận lại về kế hoạch tapering trong cuộc họp chính sách tháng 12. Thị trường đồn đoán rằng Fed cũng sẽ thảo luận về vấn đề tăng lãi suất tại cuộc họp tới.
Ngoài ra, ông Powell còn khẳng định "nhất thời" không còn là từ thích hợp để mô tả xu hướng lạm phát của Mỹ.
Cuối tuần trước, Bộ Lao động Mỹ đã công bố số liệu việc làm tháng 11 yếu hơn dự báo, khi nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tạo thêm 210.000 việc làm mới. Điều này hầu như không thể làm thay đổi kỳ vọng của thị trường về việc Fed tăng tốc kế hoạch tapering.
3. Thị trường tiền ảo bị bán tháo
Trong phiên 4/12, bitcoin - đồng tiền ảo lớn nhất thế giới, đã bốc hơi hơn 20% trong bối cảnh thị trường bị bán tháo trên diện rộng. Ethereum, đồng tiền ảo lớn thứ hai, giảm hơn 10% trước khi phục hồi trở lại. Ngoài ra, các đồng "memecoin" như dogecoin và shiba cũng cắm đầu giảm mạnh.
Theo Investing.com, việc các nhà đầu tư lo ngại các cơ quan quản lý có thể siết kiểm soát thị trường tiền ảo là nguyên nhân dẫn đến đợt báo tháo gây sốc như vừa qua.
Vào ngày 8/12 tới, giám đốc cấp cao từ nhiều công ty tiền ảo lớn như Coinbase sẽ điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện. Các nhà đầu tư có thể theo dõi thêm cuộc điều trần này để nắm bắt thêm lập trường của chính phủ Mỹ.
Khả năng Fed tăng lãi suất cũng có thể đè nặng lên triển vọng của thị trường tiền ảo, vì lãi suất càng cao càng khiến những tài sản đầu cơ trở nên kém hấp dẫn hơn. Khi Fed nâng lãi suất vào năm 2017 và 2018, giá bitcoin thực sự đã giảm mạnh.
4. GDP của Anh
Vương quốc Anh dự kiến sẽ công bố dữ liệu GDP của tháng 10 vào ngày 10/12. Số liệu mới được dự đoán là sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh người lao động dần trở lại văn phòng làm việc và doanh số bán lẻ vẫn ổn định.
Các dữ liệu kinh tế gần đây của Anh cho thấy BoE có thể sớm tiến hành đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Tuy nhiên, với sự khó đoán của biến chủng Omicron, các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ chờ đợi thêm cho đến đầu năm 2022 trước khi quyết định tăng lãi suất.