|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 25/1 - 29/1: Fed nhóm họp đầu năm, nhiều nước công bố GDP quý IV

07:48 | 25/01/2021
Chia sẻ
Trong tuần này, nhà đầu tư sẽ có nhiều vấn đề cần quan tâm, đáng chú ý nhất là cuộc họp chính sách đầu tiên của Fed dưới thời tân Tổng thống Joe Biden.
Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 25/1 - 29/1: Fed nhóm họp đầu năm, nhiều nước công bố GDP quý IV - Ảnh 1.

Mặt tiền Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). (Ảnh: Reuters).

Ngoài cuộc họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ công bố triển vọng kinh tế toàn cầu mới. Bên cạnh đó, một loạt nhà lãnh đạo và người đứng đầu ngân hàng trung ương lớn sẽ phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Investing.com đã tổng hợp một số sự kiện có thể sẽ tác động đến thị trường ngoại hối tuần này như sau:

1. Cuộc họp chính sách của Fed

Trong hai ngày 26 và 27/1, các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden. Với việc Đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện, gói cứu trợ 1.900 tỷ USD của tân Tổng thống Joe Biden sẽ có nhiều cơ hội được Quốc hội Mỹ thông qua hơn.

Theo giới phân tích, Fed sẽ không đưa ra bất kỳ thay đổi chính sách nào khi cuộc họp kéo dài hai ngày kết thúc. Song, các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ lặp lại quan điểm cũ rằng nền kinh tế Mỹ chưa thể hoàn thành mục tiêu toàn dụng lao động và lạm phát 2%.

Một số nhà đầu tư suy đoán, việc tăng chi tiêu ngân sách để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi có thể khiến Fed phải sớm bắt đầu giảm quy mô chương trình thu mua trái phiếu lớn mà họ đang thực hiện.

Tuy nhiên, đầu tháng 1, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết "giờ chưa phải lúc nghĩ đến việc dừng chương trình thu mua tài sản".

2. Dữ liệu GDP của Mỹ

Các nhà đầu tư ngoại hối sẽ có cái nhìn chi tiết hơn về hoạt động của nền kinh tế Mỹ trong quý IV/2020 từ số liệu GDP mới nhất, đặc biệt là khi mức chi tiêu của người tiêu dùng và số liệu việc làm tháng 12 sụt giảm. Dữ liệu GDP quý IV/2020 của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ được công bố vào ngày 28/1.

Sau khi GDP tăng trưởng kỷ lục 33,4% so với cùng kỳ năm trước trong quý III, các nhà kinh tế dự đoán GDP của Mỹ sẽ chỉ tăng khoảng 4% trong ba tháng cuối năm ngoái. Tính chung cả năm 2020, GDP của nền kinh tế Mỹ dự kiến giảm 3,5%.

Ngoài số liệu GDP quý IV, tuần này chính phủ Mỹ sẽ công bố số liệu về đơn đặt hàng lâu bền (ngày 27/1), số lượng hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần (ngày 28/1) và chi tiêu, thu nhập cá nhân (ngày 29/1).

3. Diễn đàn Kinh tế Thế giới

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde sẽ là 4 trong số các diễn giả nổi tiếng tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sự kiện kinh tế thường niên năm nay sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến thay vì tổ chức tại khu trượt tuyết Davos, Thụy Sĩ.

Khi nền kinh tế toàn cầu đang chìm trong khủng hoảng, các nhà lãnh đạo sẽ không thiếu chủ đề để đàm thoại. Một số vấn đề nổi cộm nhiều khả năng sẽ được đưa ra thảo luận bao gồm tỷ lệ thất nghiệp và nợ tăng vọt, bất bình đẳng thu nhập và biến đổi khí hậu.

Trong tuần này, IMF sẽ cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế vào ngày 26/1. Vao tháng 10 năm ngoái, IMF dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm 4,4% trong năm 2020, sau đó tăng trở lại 5,2% vào năm 2021.

4. Số liệu của Eurozone

Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, chính phủ các nước cũng sẽ công bố một vài số liệu đáng chú ý. Vào ngày 29/1, Pháp và Tây Ban Nha sẽ công bố dữ liệu GDP quý IV/2020. Giới chuyên gia dự đoán nền kinh tế của hai nước này đều thu hẹp trong năm 2020.

Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro, cũng sẽ công bố dữ liệu GDP năm 2020 vào ngày 29/1. Nền kinh tế Đức được dự báo sẽ giảm dưới 5% nhờ các biện pháp giải cứu và kích thích chưa từng có của chính phủ đã giúp giảm bớt cú sốc từ đại dịch COVID-19.

Nếu các nền kinh tế châu Âu hoạt động tốt hơn dự báo, đây sẽ là bước đệm để giảm bớt thiệt hại mà dịch bệnh gây ra trong quý I/2021.

Khả Nhân

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.