Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 2/11 - 6/11: Nín thờ chờ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ và cuộc họp Fed
Rủi ro lớn nhất đối với thị trường hiện nay là khả năng kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ bị trì hoãn hoặc gây tranh cãi, theo Investing.
Trong khi đó, Fed được dự đoán sẽ không thực hiện thay đổi chính sách lớn nào tại cuộc họp sắp tới, tuy nhiên ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ đưa ra cảnh báo đáng lo ngại về tương lai của nền kinh tế lớn nhất thế giới khi gói kích thích tài khóa bổ sung không được thông qua trước ngày bầu cử.
Ngoài Fed, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng sẽ nhóm họp trong tuần này và có thể tung ra nhiều kích thích hơn để hỗ trợ nền kinh tế đang bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19 và Brexit.
Investing.com đã tổng hợp 4 sự kiện quan trọng có thể tác động mạnh đến giao dịch ngoại hối tuần này như sau:
1. Bầu cử tổng thống Mỹ
Sự kiện chính đối với thị trường tuần này sẽ là ngày bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ (3/11). Đây được coi là một trong các kì bầu cử đáng chú ý nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Chiến dịch bầu cử năm 2020 diễn ra trong không khí đặc biệt căng thẳng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và kết quả khó lường hậu bầu cử có thể làm tăng yếu tố bất ổn cho thị trường.
Tổng thống Donald Trump, người đang bị bỏ lại phía sau đối thủ Joe Biden trong các cuộc thăm dò, đã phàn nàn về hệ thống bỏ phiếu "gian lận" và từ chối cam kết chuyển giao quyền lực hòa bình nếu ông thất cử.
Dù bị thất thế trước đối thủ, ông Trump vẫn nhiều lần hạ thấp rủi ro của đại dịch và không đưa ra một chiến lược kiểm soát virus hiệu quả. Hậu quả là nước Mỹ đã báo cáo hơn 9 triệu ca bệnh và gần 230.000 ca tử vong.
Nếu các cuộc thăm dò chính xác và ông Biden chiến thắng, đồng thời Đảng Dân chủ có thể kiểm soát luôn Thượng viện thì nhiều khả năng Quốc hội Mỹ có thể sẽ sớm công bố một gói kích thích tài khóa qui mô lớn để cứu trợ người dân và doanh nghiệp.
2. Cuộc họp của Fed
Các nhà hoạch định chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ bắt đầu cuộc họp mới nhất vào ngày 4/11, tức muộn hơn một ngày so với thông thường. Họ sẽ đưa ra quyết định chính sách vào 14h ngày 5/11 (tức 2h sáng ngày 6/11 theo giờ Việt Nam), sau đó Chủ tịch Jerome Powell sẽ có cuộc họp báo ngắn trong 30 phút.
Theo Investing.com, các quan chức Fed sẽ không công bố các biện pháp kích thích bổ sung. Tuy nhiên, Fed có thể sẽ để ngỏ khả năng điều chỉnh chương trình thu mua trái phiếu trong tương lai mà theo dự đoán, điều chỉnh sớm nhất có thể đến vào tháng 12.
Ngoài ra, FOMC cũng được cho là sẽ tái khẳng định rằng chính sách tài khóa hiện là công cụ hiệu quả hơn để hỗ trợ đà phục hồi không đồng đều của nền kinh tế Mỹ. Do đó, họ sẽ kêu gọi Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua một gói cứu trợ mới.
3. Báo cáo việc làm của Mỹ
Báo cáo việc làm tháng 10 sẽ được công bố vào ngày 6/11. Các nhà phân tích dự đoán tỉ lệ thất nghiệp sẽ giảm nhẹ, nhưng số lượng việc làm mới trong khu vực tư nhân và trong chính phủ Mỹ cũng sẽ giảm.
Trước đó, báo cáo thất nghiệp sơ bộ hôm 4/11 cũng sẽ được theo dõi sát sao. Dù số lượng hồ sơ xin trợ cấp đã giảm từ mức kỉ lục 6,867 triệu của tháng 3, con số của các tuần gần đây vẫn vượt mức đỉnh 665.000 hồ sơ mà chính phủ Mỹ ghi nhận được trong cuộc Đại Suy thoái (2007 - 2009).
Vào đầu tháng 10, khoảng 22,7 triệu người lao động đã nhận trợ cấp thất nghiệp của chính phủ. Song, gói ngân sách đang cạn kiệt dần và bị siết chặt nên ngày càng có nhiều người mất cơ hội nhận trợ cấp. Tương lai nền kinh tế Mỹ cũng do đó mà đối mặt với nhiều bất ổn.
4. Cuộc họp chính sách của BoE
Tại cuộc họp chính sách ngày 5/11, BoE được dự đoán là sẽ tăng mua trái phiếu thêm 100 tỉ bảng Anh để hỗ trợ nền kinh tế trước làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới cũng như để xoa dịu ảnh hưởng của Brexit.
Theo đó, mục tiêu mua tài sản của BoE sẽ tăng lên 845 tỉ bảng Anh, gần gấp đôi so với mốc hồi đầu năm nay.
Các nhà hoạch định chính sách cũng được cho là sẽ hạ dự báo tăng trưởng năm 2020 và 2021. Điều đó cho thấy quá trình phục hồi kinh tế của Anh có thể sẽ kéo dài hơn dự kiến. Ngoài ra, BoE có thể sẽ phải giải đáp thắc mắc của công chúng xoay quanh khả năng áp dụng lãi suất âm.