|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 11/1 - 15/1: Biến động trên chính trường Mỹ mang tính quyết định

07:01 | 11/01/2021
Chia sẻ
Trong tuần này, chính trị sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn đến các giao dịch ngoại hối, đáng chú ý nhất là những lời kêu gọi Tổng thống Trump từ chức sau khi xảy ra đám đông bạo loạn xông vào Điện Capitol hôm 6/1.

Ngoài biến động trên chính trường Mỹ, nhà đầu tư ngoại hối còn có thể tập trung vào triển vọng của một gói kích thích tài khóa lớn hơn sau khi số liệu việc làm tháng 12 của Mỹ bất ngờ giảm mạnh sau 7 tháng tăng trưởng dương. Lo ngại xoay quanh quá trình triển khai vắc xin COVID-19 quá chậm cũng có thể khiến thị trường ngoại hối bị ảnh hưởng.

Theo Investing.com, nhà đầu tư còn có thể có được một góc nhìn nhanh về hoạt động của nền kinh tế Mỹ với các báo cáo lạm phát và doanh số bán lẻ dự kiến công bố trong tuần này. Các nhà đầu tư cũng có thể theo dõi bài phát biểu của nhiều quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bao gồm Chủ tịch Jerome Powell.

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 11/1 - 15/1: Biến động trên chính trường Mỹ mang tính quyết định - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Fox Business.

Dưới đây là một số sự kiện đáng chú ý có thể tác động đến giao dịch ngoại hối tuần này:

1. Diễn biến chính trị

Đảng Dân chủ đang chuẩn bị cho cuộc luận tội Tổng thống Trump lần thứ hai, song chưa rõ Đảng Cộng hòa có ủng hộ động thái này hay không khi mà nhiệm kì của ông Trump cũng chỉ còn hơn một tuần nữa là chính thức khép lại.

Cuối ngày 9/1, CNN đưa tin Phó Tổng thống Mike Pence chưa loại trừ khả năng viện dẫn Tu chính án thứ 25 để tước bỏ quyền hạn của ông Trump sau khi đương kim Tổng thống Mỹ kích động người ủng hộ xông vào chiếm đóng Điện Capitol hòng lật ngược kết quả bầu cử hôm 6/1.

Nếu bị kết tội sau khi rời nhiệm sở, ông Trump vẫn sẽ mất các quyền lợi mà những cựu tổng thống Mỹ được hưởng, ví dụ như bảo vệ an ninh và lương hưu. Ngoài ra, ông Trump cũng có thể bị cấm tranh cử nhiệm kì thứ hai.

Hiện tại, công chúng đang theo dõi sát sao động thái của ông Trump, đặc biệt là sau khi ông bị cấm khỏi Facebook, Twitter - các mạng xã hội vốn là công cụ truyền thông chính của vị tổng thống Đảng Cộng hòa.

2. Hy vọng về gói kích thích mới

Kết quả hai cuộc chạy đua vào Thượng viện của bang Georgia đồng nghĩa rằng Đảng Dân chủ sẽ kiểm soát Hạ viện lẫn Thượng viện. Điều đó khuyến các nhà đầu tư hy vọng chính quyền ông Biden có thể thông qua các gói kích thích tài khóa mới sau khi ông lên nhậm chức.

Phát biểu từ thành phố Wilmington (bang Delaware) hôm 8/1, ông Biden cũng phát lời kêu gọi tung ra các gói kích thích quy mô hàng nghìn tỷ USD và nâng khoản trợ cấp tiền mặt lên 2.000 USD/người.

Các gói kích thích lớn hơn sẽ bù đắp phần nào tác động của đại dịch COVID-19 với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hôm 8/1, lần đầu tiên Mỹ báo cáo hơn 4.000 ca tử vong trong một ngày.

3. Dữ liệu kinh tế, quan chức Fed phát biểu

Mỹ sẽ công bố dữ liệu lạm phát giá tiêu dùng và số liệu bán lẻ tháng 12 lần lượt vào ngày 13 và 15/1. Lạm phát dự kiến sẽ tăng cao hơn một chút, song nhìn chung vẫn duy trì ở mức thấp. Còn doanh số bán lẻ được các chuyên gia dự đoán là sẽ giảm do tác động của đại dịch.

Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ phát biểu vào ngày 14/1. Ngân hàng trung ương Mỹ đã phát đi tín hiệu cho thấy họ sẽ duy trì lãi suất gần mức 0 cho đến ít nhất là năm 2023 và cảnh báo khả năng phục hồi của nền kinh tế phụ thuộc đáng kể vào diễn biến đại dịch COVID-19.

Ngoài ông Powell, các quan chức Fed sẽ phát biểu trong tuần này gồm Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta Raphael Bostic, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland Loretta Mester, Chủ tịch Fed chi nhánh Boston Eric Rosengren, Thống đốc Fed Lael Brainard, Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia Patrick Harker và Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida.

4. Triển khai vắc xin

Các quan chức y tế Mỹ đang cố gắng đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 sau khi hơn 4.000 người tử vong trong ngày 8/1 và dữ liệu việc làm cho thấy đại dịch đang tiếp tục bóp nghẹt thị trường lao động Mỹ.

Tính đến ngày 7/1, khoảng 6 triệu người Mỹ đã được tiêm ngừa liều vắc xin đầu tiên trong tổng cộng hai liều, chiếm chưa đến 1/3 của hơn 21 triệu liều vắc xin đã được phân phát đến các bang, theo CDC Mỹ.

Con số trên cũng thấp hơn nhiều so với 20 triệu mũi tiêm mà chính phủ Mỹ cam kết sẽ thực hiện vào cuối năm 2020, thời điểm đại dịch bùng phát mà không được kiểm soát và khiến số ca nhiễm, nhập viện và tử vong tăng vọt.

Yên Khê