Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 1/2 - 5/2: Quốc hội Mỹ bắt đầu thảo luận gói giải cứu 1.900 tỷ USD
1. Báo cáo việc làm tháng 1 của Mỹ
Vào ngày 5/2 tới, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm tháng 1. Theo Investing.com, bản báo cáo sẽ cung cấp cái nhìn đầu tiên về tình trạng của thị trường lao động mà tân Tổng thống Joe Biden kế thừa từ người tiền nhiệm Donald Trump.
Các nhà phân tích dự đoán số liệu việc làm trong tháng 1 sẽ tăng nhẹ sau khi bất ngờ giảm trong tháng cuối cùng của năm 2020. Tuy nhiên, thị trường lao động Mỹ khó có thể cải thiện đáng kể cho đến khi nền kinh tế mở cửa nhiều hơn.
Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ không thay đổi mà duy trì quanh ngưỡng 6,7%, gần gấp đôi so với mốc trước đại dịch COVID-19.
Đầu tháng 1, Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu cho biết nền kinh tế lớn nhất thế giới đã mất đi 140.000 việc làm trong tháng 12. Đây là tháng đầu tiên số việc làm tại Mỹ giảm sau 7 tháng tăng liên tiếp kể từ mức đáy trong đại dịch.
Tại cuộc họp chính sách tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho rằng, sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào tốc độ tiêm chủng vắc xin. "Không có gì quan trọng với nền kinh tế ngoài việc mọi người dân cùng đi tiêm chủng", ông Powell nhấn mạnh.
2. Kỳ vọng về gói giải cứu 1.900 tỷ USD
Trong tuần này, Thượng viện và Hạ viện sẽ bắt đầu thực hiện những bước đầu tiên hướng tới việc thông qua gói giải cứu COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD mà ông Biden công bố hồi đầu tháng 1.
Thượng viện sẽ thảo luận về đề xuất cứu trợ từ đầu tuần, bất chấp sự nghi ngờ của các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa và một số từ Đảng Dân chủ về quy mô của gói cứu trợ. Trong khi đó, Hạ viện sẽ chuẩn bị một nghị quyết điều chỉnh ngân sách cho phép họ đơn phương hành động trong trường hợp các nghị sĩ Đảng Cộng hòa không hợp tác.
Hôm 29/1, ông Biden kêu gọi Quốc hội cần hành động ngay lập tức, đồng thời nói thêm rằng hầu hết các nhà kinh tế đều tin rằng người dân và doanh nghiệp Mỹ cần thêm các biện pháp hỗ trợ.
Hơn nữa, vị tân tổng thống cho biết ông ủng hộ việc thông qua gói giải cứu COVID-19 mà không cần sự giúp đỡ của Đảng Cộng hòa.
Nợ công của Mỹ đã tăng 40% dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump. Triển vọng về một gói kích thích tài khóa bổ sung là một trong các yếu tố gần đây đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lên mức đỉnh 10 tháng.
Nhìn chung, nền kinh tế Mỹ vẫn đang khá bấp bênh. Ngoài số liệu việc kém khả quan của tháng 12, số liệu mới nhất do Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 28/1 cho thấy so với cùng kỳ năm trước, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tăng 4% trong quý IV/2020, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kỷ lục 33,4% trong quý III.
Một phần nguyên nhân là do chính ông Trump chần chừ không công bố một gói giải cứu COVID-19 khác cũng như không thể xử lý tình trạng gián đoạn trong hoạt động kinh doanh.
Tính chung cả năm 2020, nền kinh tế Mỹ mất 3,5% - mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1946 và cũng là lần đầu tiên GDP hàng năm của Mỹ giảm kể từ cuộc Đại Suy thoái (2007 - 2009).
3. Quan chức Fed phát biểu
Trong tuần này, có khá nhiều diễn giả từ Fed sẽ xuất hiện trước công chúng để thảo luận về thị trường lao động và nền kinh tế Mỹ.
Cụ thể, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta Raphael Bostic và Chủ tịch Fed chi nhánh Boston Eric Rosengren sẽ phát biểu vào ngày 1/2; Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams và Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland Loretta Mester sẽ đưa ra bình luận vào ngày 2/2.
Đến ngày 4/2, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis James Bullard, Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia Patrick Harker, Chủ tịch Mester và Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Charles Evans cũng sẽ có bài phát biểu riêng.