Tương lai của giá vàng phụ thuộc vào gói giải cứu 1.900 tỷ USD của ông Biden?
Ông Peter Hug, Giám đốc phụ trách mảng giao dịch quốc tế của Kitco Metals, cho hay: "Không có gì đi theo đường thẳng. Giá vàng đang củng cố và chờ đợi một sự kiện nào đó để thúc đẩy đà tăng giá".
Sau khi nhảy vọt lên mốc 1.870 USD/ounce vào ngày ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ (20/1), giá vàng trong vài ngày qua biến động trái chiều, song xu hướng chung là quay đầu giảm.
Hôm 20/1, giá vàng tăng vì thị trường kỳ vọng gói giải cứu COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD của ông Biden sẽ sớm được thông qua. Song kể từ đó, giá vàng chững lại vì nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa không tán thành đề xuất cứu trợ quá lớn này. Ông Biden cũng cảnh báo Mỹ có thể báo cáo thêm 100.000 ca tử vong do COVID-19 trong tháng tới.
Gói giải cứu COVID-19 của ông Biden là động lực cho giá vàng
Số liệu việc làm tại Mỹ đang phản ánh nền kinh tế nước này vẫn rất đáng lo. Bộ Lao động Mỹ cho biết 140.000 việc làm đã bị mất đi trong tháng 12. Đây là tháng đầu tiên số liệu việc làm tại Mỹ giảm sút sau 7 tháng tăng liên tiếp từ mức đáy trong đại dịch.
Ngày 28/1, Bộ Thương mại Mỹ thông báo GDP của Mỹ giảm 3,5% trong năm 2020, đây cũng là lần đầu tiên GDP của Mỹ giảm kể từ cuộc Đại Suy thoái (2007 - 2009).
Theo nhận định của Kitco News, gói giải cứu 1.900 tỷ USD của ông Biden sẽ là chất xúc tác phù hợp để vàng tăng giá, đặc biệt là khi Thượng viện đã xác nhận bà Janet Yellen lên làm Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ hồi đầu tuần này và Đảng Dân chủ đang nắm quyền kiểm soát Thượng viện.
Tuy nhiên, kịch bản giá vàng tăng sẽ phụ thuộc vào tốc độ thông qua và hình thức của gói kích thích tài khóa nghìn tỷ USD, ông Hug của Kitco Metals nhấn mạnh.
"Kích thích tài khóa nên được bơm vào nền kinh tế Mỹ càng sớm càng tốt. Song, 1.900 tỷ USD là một con số khá lớn. Một số người đang lo lắng không rõ Quốc hội có sớm thông qua gói cứu trợ này hay không", ông Hug nói thêm.
Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính đã bày tỏ sự ủng hộ cho gói giải cứu COVID-19 của ông Biden. Tại phiên điều trần trước Ủy ban Tài chính Thượng viện vào đầu tháng 1, bà Yellen nói: "Nếu không hành động, chúng ta có nguy cơ đối mặt với một cuộc suy thoái lâu dài và nghiêm trọng hơn, từ đó để lại vết sẹo lớn cho nền kinh tế trong dài hạn".
"Khi đề xuất gói cứu trợ này, cả Tổng thống Biden và tôi đều đã cân nhắc đến gánh nặng nợ công của đất nước. Tuy nhiên, với lãi suất ở mức thấp lịch sử, cung cấp gói cứu trợ quy mô lớn là chiến lược khôn ngoan nhất", bà Yellen tiếp tục.
Chuyên gia môi giới hàng hóa Daniel Pavilonis của RJO Futures cho biết một khi gói kích thích tài khóa được thông qua, lạm phát sẽ là động lực chính cho đợt tăng giá tiếp theo của vàng. Trong quá khứ, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất ở mức thấp, lạm phát đều tăng cao, ông Pavilonis lưu ý.
Sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày 26 và 27/1 vừa qua, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở gần mức 0 và cam kết tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế thông qua chương trình thu mua trái phiếu.
Đến ngày 28/1, các nhà lập pháp Đảng Dân chủ cho biết họ sẽ bắt đầu làm việc với đề xuất cứu trợ của Tổng thống Biden từ đầu tuần tới. Hạ viện còn chuẩn bị một nghị quyết điều chỉnh ngân sách để có thể đơn phương hành động nếu Đảng Cộng hòa tại Quốc hội không hợp tác.
Nhà phân tích Peter Hug của Kitco Metals khá lạc quan về triển vọng của vàng, nhưng lưu ý rằng giá vàng có thể diễn biến theo "mô hình bậc thang", tức là giá tăng từ từ theo từng bậc.
Còn ông Pavilonis trung lập hơn: "Giá vàng dao động trong phạm vi rất rộng từ 1.776 USD đến 1.965 USD/ounce. Khi vượt ngưỡng 1.965 USD/ounce, giá vàng sẵn sàng tăng. Trái lại, nếu vàng chốt ở mốc 1.776 USD/ounce, giá kim loại quý này đang trong xu hướng giảm".