|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup này có gì khiến Masan không ngần ngại bỏ ra 300 tỷ để mua lại?

07:08 | 24/09/2021
Chia sẻ
Thời điểm mới ra mắt, Reddi - đơn vị vừa được Masan mua lại 70% cổ phần, là mạng di động theo mô hình mạng di động ảo (MVNO) thứ hai tại Việt Nam.

Vừa qua, công ty TNHH The Sherpa – một thành viên của CTCP Tập đoàn Masan (mã: MSN) đã công bố hoàn tất mua lại 70% cổ phần của CTCP Mobicast (Mobicast/Reddi) với tổng giá trị tiền mặt là 295,5 tỷ đồng.

Đây được đánh giá là bước đi đầu tiên để mở rộng sang lĩnh vực viễn thông. Là công ty startup trong lĩnh vực mạng di động ảo (MVNO), Mobicast sở hữu thương hiệu mạng Reddi tích hợp hoàn chỉnh các dịch vụ viễn thông.

Mobicast - mạng di động ảo là gì?

Theo trang chủ công ty, Mobicast được thành lập năm 2016 với sứ mệnh nghiên cứu và lập dự án cấp phép. Ngày 11/9/2018, được sự đồng ý của Tập đoàn VNPT, Mobicast đã ký kết với VNPT để sử dụng hạ tầng của VNPT trên toàn bộ 63 tỉnh, thành.

Tháng 2/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp hai giấy phép: thiết lập mạng hạ tầng cơ sở công cộng và cung cấp dịch vụ viễn thông trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Từ đó đến nay, Mobicast tập trung xây dựng bộ máy, tổ chức điều hành, hợp tác với các đối tác để tạo hệ sinh thái tốt cũng như thiết lập các kênh phân phối.

Ngày 3/6/2020, CTCP Mobicast đã chính thức khai trương nhà mạng thương hiệu Reddi với đầu số 055. Tại sự kiện này, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn đề nghị CTCP Mobicast tham gia vào chuyển mạng giữ nguyên số để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.

Reddi tiềm năng cỡ nào để khiến Masan rót gần 300 tỷ đồng mua lại? - Ảnh 2.

Buổi lễ ra mắt Reddi. (Ảnh: ICT Việt Nam).

Tại thời điểm ra mắt, Reddi là mạng di động theo mô hình mạng di động ảo (MVNO) thứ hai tại Việt Nam. MVNO đầu tiên là ITelecom của Công ty CP Viễn thông Đông Dương Telecom.

MVNO là mạng di động mà nhà cung cấp dịch vụ không sở hữu hạ tầng mạng viễn thông và đi thuê lại của một đơn vị khác. Do đó, MVNO hợp tác với các nhà khai thác mạng di động truyền thống (MNO) như Viettel, Vinaphone,... để sử dụng các dịch vụ truyền dẫn dựa trên phổ tần sóng điện từ cùng với cơ sở hạ tầng mạng di động của MNO để cung cấp dịch vụ viễn thông cho người tiêu dùng.

Đây là một mô hình hợp tác win – win: các MNO được hưởng lợi nhờ công suất sử dụng mạng gia tăng, trong khi đó các MVNO có mô hình kinh doanh tinh gọn nhờ tận dụng hạ tầng mạng truyền dẫn và thu phát sóng đã có sẵn.

Trên thế giới, MVNO là mô hình kinh doanh viễn thông rất phổ biến. Ví dụ như tại Anh, gần 20% thị phần trong tổng thị trường di động thuộc về các nhà mạng MVNO.

Tiềm năng 50 triệu người dùng

Với gần 100 triệu dân, Việt Nam có 7 nhà mạng cung cấp dịch vụ thông tin di động (trong đó có 5 nhà mạng sở hữu hạ tầng truy nhập vô tuyến) với tổng số 126 triệu thuê bao, tính đến tháng 6/2020.

Ngoài ra, doanh thu trung bình trên một khách hàng của một thuê bao hiện nay khá thấp, dịch vụ thoại đang bị các dịch vụ OTT cạnh tranh, dịch vụ dữ liệu với giá cước tương đối rẻ so với các nước trong khu vực cho thấy thị trường di động tại Việt Nam cần có những luồng gió mới.

Theo Reddi, tính tới tháng 6/2020, có 4 gói cước được cung cấp trong thời gian đầu thông qua nền tảng của VNPT và chủ yếu đều đánh vào data. Ngoài ra, để đánh vào trải nghiệm người dùng, Reddi cũng ra mắt ứng dụng ReddiGo dành riêng những người yêu du lịch với nhiều dịch vụ hỗ trợ từ bên thứ ba. Đây cũng là hệ sinh thái mà Reddi cung cấp cho người dùng trong thời gian tới như đặt tour, đồ ăn, vé máy bay, khách sạn...

So với các nhà mạng truyền thống lẫn di động ảo, Reddi có thể sẽ đưa nhiều dịch vụ nội dung số cho người dùng nhiều hơn là ở mảng viễn thông. Điều này có thể thấy được ở các gói cước và ứng dụng mà nhà mạng di động ảo này ra mắt thị trường.

Thị trường viễn thông Việt Nam được đánh giá là bão hòa cho cả thoại lẫn SMS, do đó với gói cước mới, Reddi sẽ cạnh tranh ở mảng data so với các nhà mạng khác. Vì thế, hướng đi ngách trong hệ sinh thái được cho là cách để Reddi ghi điểm người dùng.

Với việc tích hợp vào nền tảng của Masan, Reddi gần như giải quyết được tất cả các bài toán của một MVNO. Cụ thể, Reddi sẽ được "trợ lực" từ một tập đoàn tiêu dùng sở hữu hệ thống bán lẻ rộng lớn với 9 triệu người tiêu dùng tại 2.400 siêu thị VinMart và VinMart+.

Cùng với đó là tệp khách hàng gián tiếp 5 triệu người tại Techcombank và hàng triệu người tiêu dùng từ các đối tác chiến lược từ offline đến online của Masan.

Ngoài ra, mục tiêu của Masan là có 50 triệu người tiêu dùng tham gia vào hệ sinh thái tích hợp xuyên suốt từ offline đến online của mình. Do đó, có thể nói đây là một cơ hội có 1 0 2 để Reddi tiếp cận với hàng chục triệu khách hàng tiềm năng.

Quốc Anh

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.