|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup fintech liệu có thể trở thành mối đe dọa với các 'nhà băng' Châu Âu?

15:05 | 25/11/2020
Chia sẻ
Tài chính từng là một mảng kinh doanh truyền thống song công nghệ đang dần thay đổi quan điểm này.

Sự lo ngại của ngân hàng truyền thống

Dù Ant Group đã phải hoãn lại kế hoạch IPO của mình, các "nhà băng" Châu Âu vẫn cảnh giác với viễn cảnh các "ông lớn" công nghệ Trung Quốc có thể sẽ trở thành những đối thủ đáng gờm, theo AFP.

Thực tế, trong vài năm trở lại đây, mảng tài chính Châu Âu chứng kiến sự xuất hiện của nhiều startup fintech (công nghệ tài chính) mong muốn tìm cách tấn công mảng kinh doanh truyền thống này thông qua dịch vụ số.

Mặc dù chưa tạo ra một mối đe doạ thực sự lớn với các ngân hàng, fintech khiến các "nhà băng" phải thay đổi hoạt động vận hành của mình và rót tiền đầu tư vào mảng kinh doanh số tương tự.

Startup fintech liệu có thể trở thành mối đe dọa với các 'nhà băng' Châu Âu? - Ảnh 1.

Người Trung Quốc thích thanh toán thông qua mã QR. Ảnh: AFP

"Đối thủ thực sự của chúng tôi trong tương lai sẽ là nhóm GAFAM hoặc Ant, đây là những công ty có khả năng đầu tư lớn", ông Frederic Oudea, CEO ngân hàng Societe Generale (Pháp), chia sẻ. GAFAM là cụm từ viết tắt để chỉ nhóm công ty Google, Apple, Facebook, Amazon, và Microsoft.

Ant Group, công ty kì vọng thu hút 34 tỉ USD thông qua IPO trước khi bị chính phủ Trung Quốc ra lệnh hoãn, là chủ sở hữu của Alipay, một nền tảng thanh toán đang dần trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người dân Trung Quốc.

Đối thủ chính của Ant Group ở Trung Quốc là WeChat Pay, thuộc sở hữu của một "ông lớn" khác làTencent.

"Ban đầu, những công ty này phát triển các ứng dụng trò chuyện. Tuy nhiên, chúng dần mở rộng và nâng cấp dịch vụ để phục vụ tốt hơn nhiều hoạt động hàng ngày của người dùng", ông Christopher Schmitz, một chuyên gia fintech ở EY, nói. Vị chuyên gia này nhận định dần dần tỉ trọng lớn chi tiêu của người dùng sẽ được thực hiện thông qua nhóm công ty  trên.

Người Trung Quốc đón nhận tích cực hình thức thanh toán thông qua mã QR vì tính tiện dụng. Chỉ riêng Alipay đã có 731 triệu người dùng hàng tháng.

Chỉ trong vòng vài năm, Alipay và WeChat Pay đã biến Trung Quốc từ một quốc gia nơi tiền mặt là vua thành một xã hội ưu tiên dùng smartphone làm phương tiện thanh toán, theo nhận định từ Channelnewsasia.

Alibaba và Tencent cũng không dừng lại ở dịch vụ thanh toán. Họ cung cấp nhiều dịch vụ tài chính đa dạng hơn nữa, bao gồm cả dịch vụ vay vốn sau một vài cú click.

"Các dịch vụ tài chính mà Alipay cung cấp, ví dụ như thanh toán hay khoản vay, mang lại nhiều doanh thu hơn dịch vụ thanh toán", ông Adrien Boue, một nhà phân tích thương mại điện tử chia sẻ với AFP. Ông đồng thời cho rằng dịch vụ thanh toán chỉ là điểm khởi điểm của một siêu ứng dụng.

Mục tiêu của Alipay hay WeChat Pay là giữ người dùng ở trong ứng dụng lâu nhất có thể. Từ sáng đến tối, người dùng luôn có thể tìm thấy thứ mình cần trong chúng, ví dụ như trò chuyện với bạn bè, gọi xe, gọi đồ ăn hoặc thậm chí là làm việc nhóm.

Rào cản văn hóa

 "Mô hình tiên tiến nhất trong mảng công nghệ tài chính chính là các công ty Trung Quốc. Vấn đề đặt ra là liệu mô hình tương tự có thể áp dụng ở Châu Âu, nhất là sau khi Ant Group hoãn thương vụ IPO, điều mà nhiều nhà quan sát cho rằng là một động thái của chính phủ Trung Quốc nhằm kìm tham vọng của công ty này", ông Adrien Boue nhận định.

"Các ngân hàng vẫn đang được bảo vệ", Julien Maldonato, chuyên gia dịch vụ tài chính của Deloitte Pháp, nói. "Đang tồn tại những rào cản văn hóa song nó không bảo vệ các ngân hàng mãi mãi".

Một trong những rào cản văn hóa là mã QR.

Theo ông Schmitz, chuyên gia tại EY, thanh toán mã QR không quá phổ biến tại châu Âu. Tính chất phân mảnh của Châu Âu với nhiều ngôn ngữ và văn hóa khách nhau cũng là thách thức lớn với những công ty fintech.

Dù vậy, chuyên gia đều nhấn mạnh các công ty công nghệ Mỹ đã có hiện diện khá đậm nét trong đời sống người Châu Âu. Cùng thời điểm, TikTok của Trung Quốc cũng thu hút giới trẻ, "những khách hàng tương lai của ngân hàng".

Việc các công ty công nghệ Trung Quốc sẵn sàng chi 70 tỉ USD trong 5 năm năm tiếp theo để phát triển công nghệ mới và thâu tóm khách hàng hoàn toàn có thể thay đổi cuộc chơi.

Động thái nói trên có thể khiến các công ty Mỹ lo lắng và đẩy mạnh đầu tư, trong khi đó các công ty Châu Âu gặp nhiều khó khăn và do dự khi chỉ rót khoảng vài tỉ USD.

Thái Sơn