Thống đốc Lê Minh Hưng: NHNN sẽ sớm hoàn thiện qui định về fintech, xác thực điện tử
Tại Hội thảo trực tuyến chuyên đề về Việt Nam trong khuôn khổ Diễn đàn ASEAN do ngân hàng Standard Chartered, Reuters và một số đối tác truyền thông quốc tế phối hợp tổ chức với chủ đề “Khai phá tiền năng đầu tư tại Việt Nam hậu Covid-19”, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhận định, sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh chóng của fintech đã khiến các cơ quan quản lí tài chính của các quốc gia phải đối mặt với những thách thức và khó khăn trong công tác quản lí, giám sát như nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố (AML/CFT), rủi ro liên quan đến an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, sử dụng trái phép thông tin cá nhân…
Nhiệm vụ đặt ra với các cơ quan quản lí tài chính trên thế giới là đảm bảo đồng thời mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo của lĩnh vực ngân hàng trong khi vẫn phải duy trì sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế…
Theo Thống đốc, trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay, đối với các dịch vụ đã có một phần qui định pháp lí điều chỉnh, NHNN thực hiện rà soát và tiến hành sửa đổi, bổ sung ngay các qui định này nhằm hỗ trợ các TCTD, ngân hàng có thể nhanh chóng triển khai việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động của mình như: ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực thanh toán (sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt); thực hiện xác thực khách hàng từ xa E-KYC (sửa đổi, bổ sung Nghị định 116/2013/NĐ-CP về qui định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền)...
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kì tháng 8/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị NHNN hoàn thiện Đề án, Nghị định về qui định fintech, cho vay ngang hàng, xác thực điện tử.
Theo kế hoạch, NHNN dự kiến ban hành cơ chế thử nghiệm hoạt động fintech từ năm 2021.
Nói về lí do ban hành cơ chế này, NHNN cho biết, sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh chóng của Fintech đã khiến các cơ quan quản lí của các quốc gia đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong công tác quản lí, giám sát do những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan tới an ninh, an toàn, bảo mật thông tin,...
Do đó, nhiệm vụ đặt ra với các cơ quan quản lí là phải đảm bảo đồng thời mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy đối mới sáng tạo trong khi vẫn phải duy trì sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong khi, tại Việt Nam các hoạt động của công ty cung ứng giải pháp fintech, cho vay ngang hàng (P2P lending), mô hình thanh toán mới... đều chưa có qui định pháp lí cụ thể để điều chỉnh.