|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

NHNN dự kiến ban hành cơ chế thử nghiệm hoạt động Fintech từ năm 2021, trong đó có cho vay ngang hàng

09:40 | 02/06/2020
Chia sẻ
NHNN cho biết từ năm 2021, dự kiến chính thức tiến hành tiếp nhận hồ sơ và chấp thuận cho các ngân hàng, công ty Fintech tham gia cơ chế thử nghiệm hoạt động Fintech trong 7 lĩnh vực ngân hàng trong đó có P2P Lending.
NHNN dự kiến ban hành cơ chế thử nghiệm hoạt động Fintech từ năm 2021, trong đó có cho vay ngang hàng - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Ameria Digital News).

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố dự thảo trình Chính phủ về cơ chế thử nghiệp có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong hoạt động ngân hàng.

Theo NHNN, sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh chóng của Fintech đã khiến các cơ quan quản lí của các quốc gia đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong công tác quản lí, giám sát do những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan tới an ninh, an toàn, bảo mật thông tin,...

Do đó, nhiệm vụ đặt ra với các cơ quan quản lí là phải đảm bảo đồng thời mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy đối mới sáng tạo trong khi vẫn phải duy trì sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tại Việt Nam các hoạt động của công ty cung ứng giải pháp Fintech, cho vay ngang hàng (P2P lending), mô hình thanh toán mới, chuyển tiền xuyên biên giới, chia sẻ dữ liệu người dùng qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open APIs),... đều chưa có qui định pháp lí cụ thể để điều chỉnh.

Những ví dụ từ trường hợp Uber, Grab trong thị trường vận tải trong thời gian qua là bài học kinh nghiệm cho ngành ngân hàng trong việc ứng phó với những đổi thay nhanh chóng của công nghệ. Nếu không có hành lang pháp lí kịp thời sẽ gặp nhiều lúng túng khi các công ty Fintech mở rộng phạm vi hoạt động.

Fintech phát triển mạnh tại Việt Nam

Số lượng các công ty Fintech đã tăng nhanh chóng từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến hơn 150 công ty ở thời điểm hiện tại và tập trung hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực ngân hàng nói chung.

Các Fintech Việt Nam hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán với 34 tổ chức trung gian thanh toán đã được NHNN cấp phép, 40 công ty trong lĩnh vực P2P Lending.

Năm 2019, lượng vốn đầu tư đột biến vào lĩnh vực Fintech Việt Nam lên tới hơn 400 triệu USD và vươn lên là nước thứ hai tại ASEAN sau Singapore trong việc thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này, chiếm 36% tổng vốn đầu tư Fintech của cả khu vực.

Theo đó, NHNN cho biết từ năm 2021, dự kiến chính thức tiến hành tiếp nhận hồ sơ và chấp thuận cho các ngân hàng, công ty cung ứng giải pháp Fintech tham gia Cơ chế thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.

NHNN đã xây dựng dự thảo về cơ chế thử nghiệm dự kiến hai nhóm giải pháp chính được tham gia gồm các dịch vụ, giải pháp công nghệ được Fintech (không phải ngân hàng) trực tiếp cung ứng hoặc giải pháp công nghệ được ứng dụng hoặc hỗ trợ trong các hoạt động ngân hàng được qui định tại Luật các TCTD.

Có 7 lĩnh vực Fintech được tham gia thử nghiệm gồm: thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng, hỗ trợ định doanh, giao diện lập trình ứng dụng mở, các giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo như Blockchain, các dịch vụ hỗ trợ hoạt động ngân hàng như chấm điểm tín dụng, tiết kiệm,...

NHNN cho biết thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech là 1-2 năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, tính từ thời điểm được Thủ tướng chấp thuận thử nghiệm.

Tùy thuộc vào các giải pháp Fintech cụ thể, NHNN sẽ thảo luận với tổ chức tham gia thử nghiệm để quyết định phạm vi cho hoạt động của các giải pháp, bao gồm đồng thời hoặc 1 trong 3 yếu tố: về địa lí, về hạn mức giao dịch và về số lượng khách hàng tham gia sử dụng dịch vụ.

Kết thúc thời gian thử nghiệm, các tổ chức tham gia thử nghiệm phải xây dựng báo cáo tổng kết, bao gồm các thông tin: sản phẩm đầu ra thử nghiệm, các chỉ số đánh giá thử nghiệm về thành công hay thất bại của giải pháp và kết quả thử nghiệm; các báo cáo sự cố và giải quyết khiếu nại của khách hàng và bài học kinh nghiệm rút ra từ việc thử nghiệm.

NHNN căn cứ trên báo cáo tổng kết và quá trình giám sát trình Thủ tướng phương án xử lý tiếp theo, gồm: dừng thử nghiệm, chứng nhận hoàn thành thử nghiệm hoặc gia hạn thử nghiệm.

Các đối tượng tham gia thử nghiệm phải đáp ứng đủ các tiêu chí sau:

Là giải pháp mà hoàn toàn chưa có hoặc một phần chưa có qui định pháp lí điều chỉnh

Là giải pháp Fintech sáng tạo lần đầu được áp dụng tại Việt Nam hoặc được ứng dụng cho dịch vụ mới, có tính sáng tạo cao, góp phần đem lại lợi ích cho người dùng tại Việt Nam đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ và thúc đẩy mục tiêu mở rộng phổ cập tài chính.

Là giải pháp được thiết kế, quản lí rủi ro tốt, không có hoặc ít có khả năng gây ra tác động xấu đối với các tổ chức tài chính và hệ thống tài chính; có phương án xử lí, khắc phụ rủi ro phát sinh trong quá trình thử nghiệm.

Là giải pháp đã được công ty Fintech/cung ứng giải pháp/TCTD thực hiện các biện pháp đánh giá phù hợp và chính xác chức năng, công dụng, tính hữu ích.

Là giải pháp có tính khả thi và tính thương mại cao, có kế hoạch cung ứng ra thị trường cụ thể sau khi hoàn thành thử nghiệm.

Là giải pháp không tiềm ẩn rủi ro gây bất ổn đến thị trường tài chính - ngân hàng và nền kinh tế.


Trúc Minh