Sự trỗi dậy của fintech và những phản ứng của giới ngân hàng
Theo bài phân tích trên Harvard Business Review (HBR), mảng ngân hàng bán lẻ đã được tỉ phí Bill Gates ví như "khủng long" và điều đó dường như vẫn đúng trong vòng 25 năm qua. Hoạt động ngân hàng bán lẻ hầu như không bị ảnh hưởng bởi sự bùng nổ của Internet.
Tuy nhiên, trong thời đại 4.0, tốc độ giải ngân ngày càng chậm chạp đã đặt các ngân hàng vào vị trí dễ bị tổn thương khi làn sóng fintech bùng nổ. Mối nguy cơ giờ đây tập trung vào những ngân hàng bán lẻ lỗi thời và bảo thủ.
Do đó, để tồn tại, những ngân hàng truyền thống sẽ cần phải thực hiện chuyển đổi công nghệ một cách nghiêm túc và xác định những chiến lược cạnh tranh trực tuyến thành công.
Các khoản vay nhỏ đang dần chuyển sang trực tuyến
Các doanh nghiệp nhỏ và cả khách hàng cá nhân đang bắt đầu đòi hỏi những dịch vụ ngân hàng trên web và thiết bị di động nhanh chóng hơn, tiện lợi hơn và phù hợp với công nghệ hiện đại.
Trong một cuộc khảo sát gần đây từ Javelin Research, 56% doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) bày tỏ mong muốn sở hữu công cụ ngân hàng điện tử tốt hơn và khoảng 60% chủ doanh nghiệp nhỏ cho biết họ muốn đăng kí khoản vay hoàn toàn trực tuyến.
Ngoài việc cải thiện trải nghiệm cho các chủ doanh nghiệp, số hóa có tiềm năng giảm đáng kể chi phí cho vay ở mọi giai đoạn trong quy trình, tiết kiệm nhân lực cho ngân hàng và tạo cơ hội phục vụ nhiều đối tượng SME hơn.
Điều này rất quan trọng vì chi phí giao dịch trong cho vay SME có thể rất lớn và rất nhiều doanh nghiệp nhỏ không đủ điều kiện để sử dụng dịch vụ. Chi phí giao dịch liên quan đến việc thực hiện một khoản vay 100.000 USD cũng tương tự như khoản vay 1.000.000 USD nhưng lợi nhuận cho ngân hàng lại thấp hơn đáng kể.
Điều này dẫn đến hậu quả các ngân hàng ưu tiên các khoản vay cao hơn trong khi khoảng 60% doanh nghiệp nhỏ chỉ cần khoản vay dưới 100.000 USD. Nếu số hóa có thể giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp nhỏ sẽ được hỗ trợ.
Những công ty fintech mới tham gia vào lĩnh vực điện tử đã nhận ra tiềm năng chưa được khai thác này và kết quả là thị trường cho vay trực tuyến từ các công ty khởi nghiệp fintech bùng nổ.
Morgan Stanley ước tính tổng thị trường có thể giải quyết cho các tổ chức cho vay SME trực tuyến là 280 tỉ USD và dự đoán ngành này sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm 47% đến năm 2020. Nhận định này khẳng định điều các chủ ngân hàng luôn lo sợ rằng số hóa sẽ ảnh hưởng đến mô hình kinh doanh, tạo điều kiện cho một sân chơi mới, không còn những đặc quyền cho giới ngân hàng trực tuyến.
"Đôi khi chàng David tí hon có thể chiến thắng gã khổng lồ Goliath", Cựu giám đốc điều hành của JPMorgan Chase, Jamie Dimon, đã cảnh báo trong một bức thư gửi các cổ đông của ngân hàng vào tháng 6/2015.
Liệu các ngân hàng có thể cạnh tranh với lực lượng mới?
Lợi thế của các ngân hàng truyền thống trong phục vụ thị trường cho vay là không thể chối cãi. Các nguồn tiền đáng tin cậy và chi phí thấp này đến từ chính phủ hoặc những người gửi tiền tiết kiệm trong khi nhóm đơn vị cho vay trực tuyến phải đối mặt với chi phí vốn có thể cao hơn 10% đến từ các nhà đầu tư tổ chức có khả năng hay thay đổi như các quỹ đầu cơ.
Các ngân hàng cũng có cơ sở khách hàng đầy đủ thông tin và quyền truy cập dữ liệu độc quyền về người gửi tiền đã có mối quan hệ trước đó. Tương tự, các tổ chức cho vay trực tuyến có mức độ nhận diện thương hiệu hạn chế hơn và việc thu hút khách hàng khá tốn kém và cạnh tranh.
Nhưng khả năng tận dụng những điểm mạnh sẵn có của các ngân hàng lớn để xây dựng lợi thế cạnh tranh đang bị bỏ qua. Cùng thời điểm, nhóm công ty cho vay trực tuyến đang nỗ lực giản lược quá trình đăng kí khoản vay để trở nên thân thiện hơn với phần đông khách hàng.
Dù một số ngân hàng lớn tại Việt Nam đã có những bước cải tiến lớn trên ứng dụng di động, họ thực sự chưa thể cạnh tranh về trải nghiệm điện tử với các ứng dụng cho vay đang tràn lan trên mạng.
Thời gian phê duyệt được cắt giảm xuống còn vài giờ hoặc thậm chí vài phút được các thuật toán xử lí trên cơ sở dữ liệu về điểm tín dụng cá nhân, tài khoản tiền gửi thanh toán... Hơn nữa, trong những trường hợp người vay muốn sử dụng dịch vụ hay so sánh các lựa chọn, nhiều trang web môi giới tín dụng trực tuyến đang cung cấp thông tin vô cùng chi tiết.
Ngược lại, các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng địa phương và các ngân hàng nhỏ hơn, thường dựa vào các qui trình bảo lãnh phát hành thủ công, tốn nhiều giấy tờ, kéo dài thời gian phê duyệt khoản vay và hầu như bỏ ngỏ thị trường cho vay khoản tiền thấp.
Những ngân hàng lớn đang làm gì?
Đến nay, các ngân hàng lớn tại Việt Nam và trên toàn thế giới đang theo đuổi 4 chiến lược chính nhằm cạnh tranh hoặc hợp tác với nhóm công ty fintech mới nổi và một số thậm chí đang tự mở công ty fintech trực thuộc.
Việc lựa chọn chiến lược nào nằm ở mức độ ngân hàng sẵn sàng đầu tư bao nhiêu thời gian và tiền bạc để tham gia thị trường mới cũng như ngân hàng mong muốn tích hợp công nghệ mới vào các giao dịch truyền thống đến mức nào.
Hai trong số 4 lựa chọn là chiến lược tích hợp thấp. Các ngân hàng kí hợp đồng hỗ trợ dài hạn hoặc theo đuổi các khoản đầu tư vào nhóm fintech mới nổi. Đây còn được gọi là chiến lược 'đặt một chân vào cửa' trong khi vẫn duy trì các hoạt động hiện tại hoàn toàn tách biệt.
Mặt khác, những ngân hàng chọn chiến lược tích hợp cao hơn như đầu tư vào các thỏa thuận hợp tác, tích hợp công nghệ mới vào hệ thống xét duyệt đơn xin vay hoặc tự mở công ty tín dụng riêng để phát triển thị trường này. Mối quan hệ giữa VPBank và FE Credit là một ví dụ điển hình.
Một số ngân hàng lớn và thậm chí trong khu vực đã đầu tư đáng kể hơn nữa để xây dựng ngân hàng điện tử riêng. Và khi ngày càng có nhiều công ty fintech mới trở thành mục tiêu mua lại, các ngân hàng trong top Big4 có thể xem xét chiến lược "xây dựng hoặc mua lại" để đạt được những tiềm năng công nghệ mới.
Đối với các ngân hàng chọn phát triển hệ thống riêng để cạnh tranh trực tiếp với những đối thủ mới, tích hợp dữ liệu khách hàng độc quyền để tạo ra trải nghiệm khách hàng tốt hơn và giao diện thiết kế thân thiện hơn là chìa khóa thành công. Nếu yếu tố này không đồng bộ với văn hóa ngân hàng, những phản đối trong nội bộ sẽ khiến quá trình khó thành công.
Điểm yếu của những công ty fintech
Một nhược điểm lớn của các công ty fintech cho vay trực tuyến tại Việt Nam hiện nay là mức độ tin tưởng, cách xử lí thông tin khách hàng và cách thức thu hồi nợ. Không ít các đơn vị phải chịu trách nhiệm về hoạt động mập mờ và cách tính lãi suất cao ngất ngưởng của các nhà cung cấp và đối tác.
Vì vậy, nhiều ngân hàng thích thỏa thuận "nối dài tay" cho phép họ mua lại các khoản vay bắt từ nền tảng của những công ty fintech. Nhờ đó, ngân hàng vừa tăng khả năng tiếp xúc với các khoản vay với khách hàng nhỏ vừa có thể chọn các khoản tín dụng phù hợp trong khi giải ngân vốn cho các công ty fintech trực tuyến.
Loại hình quan hệ đối tác này đang được nhiều ngân hàng lớn trên thế giới như JPMorgan Chase, Bank of America và SunTrust ưa chuộng. Họ trở thành đối tác hàng đầu và trọng yếu của giới fintech mới nổi.
Kịch bản quen thuộc trên thương trường trước đây là những công ty mới nổi tích lũy kinh nghiệm, tận dụng công nghệ và đánh bại những ông lớn kiêu ngạo, không chịu thay đổi. Đây là điều không thể tránh khỏi trong kỉ nguyên 4.0.
Nhưng trong thế giới thực, đôi khi những tay chơi mới thắng và những lần khác thì những ông lớn thắng hoặc giải pháp đúng đắn cuối cùng là sự kết hợp của cả hai. Thị trường vay vừa và nhỏ có thể vẫn là một mảng kinh doanh lớn đối với các ngân hàng nhưng đòi hỏi chiến thuật và cải cách khôn ngoan để giành chiến thắng.
Các ngân hàng cần tập trung vào lợi thế cạnh tranh riêng biệt và tìm cách hợp tác hoặc học hỏi từ những công ty mới nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.