|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup chia sẻ văn phòng lớn nhất hành tinh lỗ hơn 5 triệu USD mỗi ngày

17:53 | 05/07/2019
Chia sẻ
Hoạt động liên tục trong 9 năm, WeWork đang chịu khoản lỗ gần 220.000 USD mỗi giờ. Doanh thu và lỗ của công ty trong năm 2018 đều tăng gấp đôi.

Giới đầu tư định giá WeWork, startup chia sẻ không gian làm việc thuộc tập đoàn We Company, là 47 tỉ USD. Ngoài WeWork, tập đoàn We Company còn có công ty chia sẻ không gian sống WeLive và trường đào tạo kinh doanh WeGrow.

Lỗ 5,2 triệu USD mỗi ngày

Website của WeWork cho biết, công ty có 743 văn phòng chia sẻ tại 124 thành phố ở hơn 36 quốc gia trên thế giới, và số lượng nhân sự khoảng 12.000 người.

Financial Times đưa tin, trong năm tài chính 2018 (kết thúc vào tháng 3/2019), doanh thu của WeWork tăng 1,8 tỉ USD - tăng gấp đôi so với năm trước, song khoản lỗ của công ty cũng đạt 1,9 tỉ USD - tăng gấp đôi so với năm trước.

Nếu tính trung bình, WeWork đang lỗ 219.000 USD mỗi ngày. Trong quý đầu năm nay, công ty lỗ 700 triệu USD. Công ty dự báo doanh thu sẽ đạt 3 tỉ USD vào năm tới.

Wework

WeWork đã có kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng. Ảnh: INC

Ông Adam Neumann, giám đốc WeWork, tiết lộ hồi tháng 4 rằng công ty đã nộp hồ sơ phát hành cổ phiếu ra công chúng vào tháng 12 năm ngoái. 

"Với việc phát hành cổ phiếu ra công chúng, WeWork có thể thuyết phục giới đầu tư rằng đà tăng trưởng mạnh của công ty là yếu tố đang để họ rót tiền trong dài hạn, dù khoản lỗ hiện tại khá lớn", Adam bình luận.

Tập đoàn viễn thông SoftBank (Nhật Bản) là một trong những nhà đầu tư lớn của WeWork. Tỉ phú Masayoshi Son, chủ tịch SoftBank, là một cố vấn của Adam Neumann. Hơn 10 tỉ USD là số tiền Masayoshi đã đầu tư vào WeWork.

Chiến lược mở rộng cực nhanh

Đối với WeWork, một trong những thước đo quan trọng nhất đối với thành công của công ty này là tốc độ tăng trưởng phải cực nhanh dù điều này có nghĩa là công ty gánh chịu các mức lỗ lớn trước mắt.Trong cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại với tờ New York Times hôm 25-3, ông Artie Minson, Chủ tịch WeWork, nói: "Chúng tôi thừa khả năng điều tiết mức tăng trưởng và gặt hái lợi nhuận nhưng đây là lúc chúng tôi phải tiếp tục tăng tốc".

Michael Gross, Phó Chủ tịch WeWork, cho biết thêm: "Chúng tôi đang tiếp tục mở rộng kinh doanh, chứ không tìm cách tối đa hóa lợi nhuận trong một đến hai năm tới".

Vài năm qua, WeWork không ngại ngần "đốt tiền" chi tiêu để mở rộng sự hiện diện ở các thị trường mới khắp toàn cầu. Tuy nhiên chi phí để đổi lấy mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng của WeWork quá lớn so với những ông lớn công nghệ khởi nghiệp khác.

Giờ đây, WeWork đang có 401.000 thành viên trả phí (bao gồm các doanh nghiệp) để thuê các chỗ ngồi tại 425 không gian làm việc chung của WeWork ở 100 thành phố của 27 quốc gia. Các thành viên này đang đóng góp 88% tổng doanh thu của WeWork.

Mối lo về người chèo lái WeWork

3 yếu tố khiến các nhà đầu tư lo ngại về WeWork bao gồm sự bền vững của mô hình kinh doanh (kết hợp dịch vụ cho thuê văn phòng ngắn hạn với dài hạn), phân loại (WeWork là công ty công nghệ hay bất động sản?) và bản thân giám đốc Adam Neumann.

Hồi tháng 6, trang Intelligencer nhận định Adam Neumann là nhà quản trị duy tâm và lập dị. Vào mùa hè năm ngoái, ông cấm nhân viên của công ty dùng bữa với thịt. Khi phóng viên hỏi về năng lực của bản thân, Neumann ví bản thân với nhân vật phản diện trong chương trình truyền hình Heroes.

Intelligencer nhấn mạnh rằng, với đam mê lướt sóng, Neumann không xác định giới hạn giữa sở thích cá nhân và lợi ích của WeWork khi nhân danh công ty để đầu tư vào WaveGarden, công ty thiết kế bể tạo sóng, và công ty chế biến món ăn của nhà lướt sóng nổi tiếng Laird Hamilton.

Mặc dù vậy, khả năng và đam mê của Neumann đã giúp WeWork trở thành công ty có giá trị gần 50 tỷ USD trong vòng chưa tới một thập kỷ.

Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại cho rằng WeWork có thể chịu tổn thương nếu suy thoái kinh tế xảy ra, đặc biệt là nguy cơ bị kẹt trong các hợp đồng thuê dài hạn các địa điểm làm việc. Song Chủ tịch WeWork, Artie Minson, lập luận rằng nếu kinh tế toàn cầu bất ổn, công ty sẽ thu hút nhiều khách hàng doanh nghiệp hơn vì họ muốn tìm đến các không gian văn phòng diện tích nhỏ, giá rẻ.

WeWork tiết lộ rằng tỉ suất sử dụng các không gian làm việc chung của công ty trong quí cuối năm 2018 giảm về mức 80% so với mức 84% trong quí 3-2018. Trong khi đó, doanh thu trung bình trên mỗi thành viên trả phí, một thước đo khác mà WeWork giám sát chặt chẽ, tiếp tục giảm về mức 6.360 USD/năm, giảm 13,5% so với hồi đầu năm 2016.

WeWork giải thích rằng tỷ suất sử dụng giảm vì tốc độ mở rộng không gian làm việc chung tăng nhanh vào cuối năm ngoái và các văn phòng mới chỉ đạt tỷ suất sử dụng tối ưu sau 18 tháng hoạt động.

Luân Thường