|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

SSI Research dự báo lợi nhuận của REE, PNJ, DPM, HAH,... có thể tăng đột biến trong quý II

10:22 | 14/07/2022
Chia sẻ
Bên cạnh dự đoán loạt doanh nghiệp có thể lãi đột biến trong quý II thì SSI Research cũng cho rằng lợi nhuận của Tập đoàn Hòa Phát hay VEAM có thể tăng trưởng âm trong kỳ này.

SSI Research vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh quý II/2022 của 26 công ty (cả tài chính và phi tài chính) trong phạm vi nghiên cứu. Trong đó 23 công ty dự kiến có tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý II như: AST, DGW, DPM, FPT, GAS, GMD, HAH, IMP, NT2, PNJ, REE, TRA, VHC, VSC,...

Các công ty có ước tính tăng trưởng lợi nhuận âm gồm Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) và Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (Mã: VEA).

Cụ thể, Dịch vụ Hàng không Taseco (Mã: AST) được ước tính ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 10 tỷ đồng trong quý II/2022. Sự hồi phục mạnh mẽ từ kết quả tương đối thấp gần đây nhờ thị trường hàng không trong nước phục hồi hoàn toàn kể từ tháng 3/2022, mặc dù thị trường quốc tế vẫn cần thời gian để cải thiện. So với kế hoạch LNTT năm 2022 ở mức 23,5 tỷ đồng và so với mức lỗ 128,4 tỷ đồng vào năm 2021, Taseco được đánh giá có thể hoàn thành chỉ tiêu.

Cửa hàng lưu niệm Lucky Souvenir Shop - lĩnh vực kinh doanh dịch vụ của Taseco tại các sân bay. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Với Đạm Phú Mỹ (Mã: DPM), chuyên gia ước tính LNTT là 1.200 tỷ đồng (tăng 64% so với cùng kỳ). Nguyên nhân là, dù giá khí đầu vào tăng 55% so với cùng kỳ, nhưng giá bán bình quân của urê cũng tăng 65% trong cùng giai đoạn, do đó giúp lợi nhuận của DPM tăng đáng kể.

Với ngành logistic, khai thác cảng, hai công ty đại diện là Gemadept (Mã: GMD)  Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) được dự đoán sẽ duy trì lợi nhuận tích cực.

LNTT của Gemadept có thể tăng trưởng ít nhất 30% so với cùng kỳ, khoảng 254 tỷ, nhờ cảng Gemalink tiếp tục tăng sản lượng mạnh mẽ khi đi vào hoạt động tối đa công suất. Còn với HAH, tăng trưởng lợi nhuận 188% được giải thích từ việc mở rộng công suất, cũng như giá cước vận tải và giá thuê tàu được cải thiện trong những quý gần đây. 

Trong mảng dược phẩm, các chuyên gia ước tính doanh thu của Imexpharm (Mã: IMP) đạt 338 tỷ đồng (tăng 5% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế (LNST) tăng 10% lên 54 tỷ đồng.

Theo SSI Research, lợi nhuận trong quý II của Imexpharm đã cho thấy các đơn hàng đấu thầu thuốc đã băt đầu phục hồi tốt hơn nhờ số lượt khám bệnh tại các bệnh viện phía Nam tiếp tục phục hồi nhanh chóng, gần bằng mức trước dịch. Tuy nhiên, tăng trưởng về sản lượng của các nhà máy vẫn còn tương đối thấp do chậm trễ trong quy trình đăng kí thuốc mới, khiến tốc độ thương mại hóa sản phẩm chậm và nhiều dây chuyền có mức huy động thấp. Trong lúc đó, công ty đang cố gắng cắt giảm chi phí quản lý và bán hàng để tăng lợi nhuận ròng.

Ông lớn đứng đầu mảng bán lẻ trang sức là Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) được dự đoán sẽ đạt doanh thu thuần 7.100 tỷ đồng trong quý II, tăng 60% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế có thể tăng 69% lên 370 tỷ đồng nhờ nhu cầu tăng lên đối với hàng tiêu dùng không thiết yếu.

Mảng kinh doanh điện của REE được ước tính tăng trưởng gấp 3 lần cùng kỳ, là nguyên nhân giúp lợi nhuận quý II/2022 của công ty tăng 80%. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Với CTCP Cơ điện lạnh (Mã: REE), SSI Research dự đoán lợi nhuận ròng vừa rồi dự kiến đạt khoảng 690 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ. Trong đó mảng kinh doanh điện tăng gấp 3 lần, trong khi mảng cấp nước đi ngang. Công ty cũng dự kiến mảng văn phòng cho thuê sẽ tăng trưởng 12% so với cùng kỳ, bù lại mức giảm 42% so với cùng kỳ trong mảng M&E.

Còn với Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2), các chuyên gia dự đoán lợi nhuận sau thuế quý II đạt khoảng 160 tỷ đồng so với quý II/2021 là 24,5 tỷ đồng. Kết quả quý vừa rồi khả quan nhờ giá bán trung bình trên thị trường phát điện cạnh tranh (giá CGM) tăng 27% so với cùng kỳ, và sản lượng Qc tăng hơn 40%. 

Minh Hằng