FiinTrade ước tính lợi nhuận 6 tháng của nhiều doanh nghiệp lớn tăng mạnh
Báo cáo cập nhật ước tính kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2022 của 25 doanh nghiệp phi tài chính, vừa được FiinTrade công bố sơ bộ cho thấy lợi nhuận sau thuế của hầu hết các công ty trong nhóm này ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số ngành dự kiến có lợi nhuận quý II/2022 tăng trưởng do đẩy mạnh xuất khẩu là ngành thủy sản. Theo ước tính, CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) sẽ đạt 520 tỷ đồng lợi nhuận trong quý vừa rồi, gần gấp đôi cùng kỳ. Lợi nhuận của Sao Ta (Mã: FMC) cũng dự đoán đạt được hơn 115 tỷ đồng, tăng 41%.
Một trong những nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng hồi phục và chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Tuy nhiên, FiinTrade cho rằng do triển vọng lợi nhuận phía trước của các công ty thủy sản kém tích cực hơn do rủi ro tồn kho tại các thị trường xuất khẩu chủ lực (Mỹ, châu Âu) tăng lên vì tiêu thụ tăng thấp và cung đang dần dồi dào hơn.
Ngoài ra, các công ty được ước tính có lợi nhuận quý II/2022 tăng trưởng hai, ba con số còn là Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) tăng 158%, Gemadept (Mã: GMD) tăng 46%, Điện Gia Lai (Mã: GEG) tăng 118%.
Đối với ngành bán lẻ, FiinTrade dự báo sẽ có sự phân hóa lợi nhuận, nhu cầu sụt giảm sau COVID-19 khiến lợi nhuận quý II/2022 của doanh nghiệp ngành bán lẻ chững lại so với hai quý liền trước đó. Sức mua các sản phẩm điện tử (đặc biệt là laptop) sụt giảm sau COVID-19, khiến mức lợi nhuận quý II của Digiworld (Mã: DGW) chỉ còn tăng 20% so với cùng kỳ, và giảm sâu so với quý trước.
Thực tế này theo nhận định của các chuyên gia cũng đang diễn ra ở doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ là CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (Mã: MWG). MWG hiện chưa có ước tính kết quả quý II, tuy nhiên số liệu cho thấy doanh thu ngành hàng ICT và điện máy tăng 2% so với cùng kỳ, trong khi doanh thu Bách Hóa Xanh giảm 8%, do nền so sánh ở mức cao trong giai đoạn giãn cách xã hội năm ngoái.
FiinTrade cho rằng, dưới áp lực lạm phát gia tăng, nhu cầu về các mặt hàng không thiết yếu (bao gồm hàng điện tử điện lạnh) dự kiến sẽ tiếp tục đi xuống trong thời gian tới, ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh số của các doanh nghiệp bán lẻ.
Trong một diễn biến khác, kết quả ước tính của FPT Retail (Mã: FRT) cho thấy lợi nhuận quý II của công ty gấp 6,6 lần cùng kỳ lên 230 tỷ đồng, có thể do đóng góp từ mảng kinh doanh dược phẩm đã qua giai đoạn thua lỗ.
Quý này, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) được dự báo có lợi nhuận tăng trưởng hai con số, tăng 89% lên 420 tỷ đồng, dù thị trường đang ở trong bối cảnh chung là sức mua giảm.