|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

FPT Securities ước tính nhóm phân bón, hóa chất và ngành điện lãi đậm nửa đầu năm

20:00 | 04/07/2022
Chia sẻ
Trong 32 doanh nghiệp được ước tính, hầu hết đều có doanh thu tăng trưởng, thậm chí tăng bằng lần so với cùng kỳ năm ngoái - thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh khiến nhiều hoạt động kinh doanh diễn ra khó khăn. Lợi nhuận 6 tháng 2022 cũng ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực so với cùng kỳ.

CTCP Chứng khoán FPT (FPT Securities - Mã: FPTS) vừa đưa ra ước tính kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 của một số doanh nghiệp trong mảng xây dựng, dầu khí, dệt may, điện, hóa chất, phân bón,...

Trong 32 doanh nghiệp được ước tính, hầu hết đều có doanh thu tăng trưởng, thậm chí tăng bằng lần so với cùng kỳ năm ngoái - thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh khiến nhiều hoạt động kinh doanh diễn ra khó khăn. Lợi nhuận 6 tháng 2022 cũng ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực so với cùng kỳ.

Theo ước tính của công ty chứng khoán, các doanh nghiệp thuộc ngành hóa chất - phân bón ghi nhận hầu hết ngành có tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận, trong đó ba doanh nghiệp dần đầu là Đạm Phú Mỹ (Mã: DPM), Đạm Cà Mau (Mã: DCM)Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC) có lợi nhuận tăng trưởng ba chữ số nhờ đón nhận những hỗ trợ từ giá phân bón.

 Ước tính kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của ngành phân bón, hóa chất. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của FPTS).

Ngành xây dựng nửa đầu năm 2022 cũng đã cho thấy sự tích cực hơn so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh qua doanh thu đi lên (ngoại trừ trường hợp của Xây lắp điện 1). Nhìn chung, bão giá vật liệu xây dựng vẫn đang đè nặng lên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành. Riêng Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) có lãi tăng trưởng 137% lên 161 tỷ đồng, tức ước tính quý II lãi 151 tỷ, cao nhất kể từ quý I/2020.

Đối với Coteccons (Mã: CTD), tuy lợi nhuận hai quý đầu năm ước giảm 30%  69 tỷ, nhưng với kết quả này đã giúp doanh nghiệp hoàn thành 345% mức kế hoạch thận trọng năm 2022.

   Ước tính kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của ngành xây dựng. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của FPTS). 

Trong nhóm dầu khí được ước tính, Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) có cả doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhất, lần lượt 80% và 214% so với cùng kỳ. Mức lợi nhuận hai quý đầu năm của BSR ước tính vượt mốc 11.300 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với con số khoảng 6.600 tỷ của cả năm 2021. Tính riêng quý II, BSR có thể lãi trên 9.000 tỷ, cao nhất từ trước đến nay tính theo quý.

Trước đó, Tổng Giám đốc BSR cũng cho biết nhờ crack margin (chênh lệch giá giữa sản phẩm lọc và dầu thô) mà lợi nhuận BSR tăng trưởng tốt trong bối cảnh giá dầu chưa thể hạ nhiệt một sớm một chiều. Năm nay, lãnh đạo BSR dự đoán công ty có thể đạt được mốc lợi nhuận kỷ lục.

 Ước tính kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của ngành dầu khí. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của FPTS). 

Ước tính trong 6 tháng đầu năm cho thấy cả ba doanh nghiệp ngành điện là Nhiệt điện Hải Phòng (Mã: HND), Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2) Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (Mã: VSH) đều lãi lớn, gấp đôi, gấp ba cùng kỳ trong bối cảnh tiêu thụ điện của cả nước tăng mạnh và tình hình thủy văn thuận lợi.

  Ước tính kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của ngành điện. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của FPTS). 

Chiều ngược lại, nhóm doanh nghiệp cao su tự nhiên được dự đoán có lợi nhuận giảm sút so với cùng kỳ. Mặc dù thời tiết năm nay có phần thuận lợi hơn, giúp sản lượng mủ cao su có thể gia tăng, nhưng phía Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (Mã: GVR) nhìn nhận lợi nhuận ngành vẫn không được cải thiện mấy do chi phí phân bón, điện... tăng mạnh.

 Ước tính kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của ngành cao su tự nhiên, gỗ, đá ốp lát. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của FPTS). 

Minh Hằng