|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

SSI: Kinh tế hồi phục hình chữ L, dự báo tăng trưởng GDP cả năm đạt 4,5 - 5%

09:01 | 12/10/2023
Chia sẻ
SSI đánh giá nền kinh tế có sự phục hồi so với giai đoạn 6 tháng đầu năm, tuy nhiên các động lực tăng trưởng chính vẫn chưa thực sự bứt phá.

SSI Research vừa công bố báo cáo chiến lược tháng. Nhóm phân tích cho rằng tăng trưởng GDP quý III hồi phục nhẹ từ đáy (hình chữ L) với mức 5,33%, trong đó chế biến chế tạo và nhóm tiêu dùng đóng góp lớn nhất trong tăng trưởng.

Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%, trong đó xuất khẩu ròng đóng góp tới gần 50% tăng trưởng, trong khi đó tiêu dùng cuối cùng và tích lũy tài sản tăng trưởng ở mức yếu.

 

Một số nhóm ngành cấp 2 chiếm tỷ trọng cao trong GDP đều có diễn biến không quá tích cực. Cụ thể, chế biến chế tạo tăng 5,6% trong quý III (quý II tăng 0,6% ) nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ở các sản phẩm chủ lực vẫn ở mức yếu như điện tử, vi tính (tăng 3,2%) hay dệt may (tăng 5%).

Chỉ số sử dụng lao động trong ngành công nghiệp suy giảm 1,9% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp ngoài nhà nước (giảm 2,5%) và FDI (giảm 1,7%).

Bán buôn và bán lẻ tăng 8,15% so với cùng kỳ (quý II tăng 8%) nhưng tăng trưởng doanh thu bán lẻ danh nghĩa ở mức 7,3% (giảm từ mức 8,8% trong quý II) do tiêu dùng yếu và đóng góp doanh thu từ ngành du lịch chậm lại. 

Hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 1%, chưa cho thấy sự cải thiện. 

Điểm sáng là giải ngân vốn FDI khả quan. Tính đến cuối tháng 9, giải ngân FDI đạt 15,9 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ và là con số thực hiện cao nhất 9 tháng trong vòng 5 năm qua.

Đầu tư công cũng bật tăng mạnh mạnh trong tháng 9. Tính đến hết tháng 9, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt 51,4% kế hoạch Thủ tướng và tăng 43,5% so với cùng kỳ nhờ kế hoạch giải ngân lớn trong năm nay.

Xét theo tháng, đầu tư công tháng 9 bật tăng mạnh (tăng 34% so với tháng trước và 21% so với cùng kỳ) khi bước vào giai đoạn cao điểm cho giải ngân đầu tư công. 

Báo cáo cũng đề cập đến lạm phát tổng thể bật tăng mạnh. Cụ thể, trong tháng 9, lạm phát tổng thể ghi nhận tháng tăng mạnh thứ 3 liên tiếp, khi tăng 1,08% so với tháng trước và 3,66% so với cùng kỳ.

Đóng góp lớn nhất cho CPI tháng 9 là giá gas (tăng 8,37% so với tháng trước), giá gạo (tăng 4,2%), giá xăng (tăng 3,54%) và giá thuê nhà (tăng 0,6%). 

 

Trong quý III, lạm phát tăng 2,89% so với cùng kỳ trong đó giá thuê nhà (tăng 28,5% so với cùng kỳ) là yếu tố tác động lớn nhất tới CPI, bên cạnh giá lương thực và giáo dục. Đây cũng là nhân tố khiến lạm phát cơ bản duy trì ở mức cao trong 9 tháng đầu năm (tăng 4,5%).

SSI cho rằng áp lực lên lạm phát cơ bản ở còn mức cao khi chỉ số giá sản xuất (PPI) dịch vụ tăng tới 7,34% so với cùng kỳ, và từ đó có thể có tác động truyền dẫn tới nhóm chỉ số giá dịch vụ. Đối với lạm phát tổng thể, biến động của giá xăng dầu là yếu tố rủi ro. Điểm tích cực là bình quân CPI 9 tháng chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ - thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,5% của Chính phủ. 

Theo các chuyên gia tại đây, mặc dù nền kinh tế có sự phục hồi so với giai đoạn 6 tháng đầu năm, tuy nhiên do thiếu vắng sự bứt phá từ các động lực tăng trưởng chính nên SSI vẫn duy trì dự báo tăng trưởng GDP cả năm khoảng 4,5 - 5%.

Anh Đào