|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sống xanh hay chiêu trò của các chuỗi kiểu Phúc Long, Highlands

07:49 | 25/09/2019
Chia sẻ
Highlands Coffee, Phúc Long lần lượt hứng làn sóng chỉ trích vì thiếu nhất quán trong phát ngôn và hành động về rác thải nhựa. Đó cũng là câu chuyện chung của các chuỗi cà phê.

Tuần qua, nhiều người tiêu dùng kêu gọi tẩy chay thương hiệu Phúc Long Coffee & Tea khi phát hiện một cửa hàng đề nghị khách phân loại rác thải theo các ô khác nhau, nhưng lại có chung một chiếc túi đựng ở bên dưới.

"Đây là một trò giả dối đáng xấu hổ", nữ diễn viên Hồng Ánh nhận xét trên mạng xã hội. "Họ lừa dối bằng những trò tinh vi khôn vặt, họ coi thường khách hàng của mình một cách ngu ngốc".

Sự gian dối sau kế hoạch phân loại rác ở Phúc Long

Có mặt tại Phúc Long Coffee & Tea Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP.HCM) sáng 24/9, Zing.vn ghi nhận hình ảnh cửa hàng phân loại rác thành 3 nhóm cơ bản: giấy, chất lỏng và nhựa.

Đây là thay đổi của Phúc Long sau khi bị khách hàng tố giả dối và hời hợt trong việc kêu gọi bảo vệ môi trường với chiến dịch sống xanh (green life).

"Sống xanh đối với doanh nghiệp có thể tốn kém và bất tiện, bạn có thể không làm. Nhưng đừng dối trá, trơ trẽn và xem thường khách hàng", một khách hàng của Phúc Long gay gắt trên mạng xã hội. 

Nói với Zing.vn, bà Nguyễn Thị Thanh Vân - quản lý cửa hàng, cho biết sự việc xảy ra vừa qua do đối tác xử lý môi trường không hỗ trợ thay 10 túi rác nhỏ liên tục, buộc cửa hàng phải sử dụng một túi lớn đựng chung như phản ánh của khách hàng.

Cửa hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai là một trong 2 địa điểm được Phúc Long thí điểm mô hình phân loại rác thành 10 nhóm nhỏ.

Sau những phản ứng của khách hàng, việc thí điểm đã dừng lại. Trong khi đợi tìm kiếm giải pháp mới hiệu quả hơn, tiệm Phúc Long trên đường Nguyễn Thị Minh Khai đã trở lại với phân loại rác làm 3 nhóm cơ bản: giấy, chất lỏng và nhựa.

Tuy nhiên, thực tế, ngay tại cửa hàng Nguyễn Thị Minh Khai, một số khách hàng và nhân viên tại đây khi thu dọn vẫn vứt chung ly giấy, nắp nhựa và nước đá vào cùng một túi rác.

Sống xanh hay chiêu trò của các chuỗi kiểu Phúc Long, Highlands - Ảnh 1.

Hiện tại, Phúc Long áp dụng phân loại rác thành 3 nhóm cơ bản (giấy, chất lỏng và nhựa) nhưng một số khách hàng và nhân viên vẫn chưa thực hiện đúng. Ảnh: Lan Anh.

Tại các cửa hàng Phúc Long, ly nhựa vẫn khá phổ biến, bên cạnh việc xuất hiện của ly giấy. Khi được chất vấn, nhân viên cho biết các món như trà đào, trà vải khi rót ra ly vẫn còn nóng nên không thể dùng ly giấy. Câu hỏi được nhiều khách hàng đặt ra là "tại sao quán không phục vụ bằng ly thủy tinh", để giảm thiểu rác thải nhựa.

Phúc Long đồng thời duy trì sử dụng nắp nhựa kể cả cho các đơn hàng uống tại quán.

Trước đó, Phúc Long cũng vấp phải phản ứng tiêu cực từ dư luận khi bán thêm ly nhựa đựng đá với giá 2.000 đồng cho đơn hàng mang đi, làm tăng lượng nhựa tiêu thụ trong các cửa hàng. Sau khi bị người tiêu dùng kêu gọi tẩy chay, Phúc Long đã gỡ thông báo trên fanpage và khẳng định không thực hiện như vậy nữa.

Trả lời báo giới, bà Võ Ngọc Bích Tiên - Trưởng phòng Marketing, cho biết Phúc Long đang trong quá trình thử nghiệm nhiều phương án khác nhau để phân loại rác và thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Chiêu trò sống xanh làm cho có của Highlands

Trước đó, Highlands Coffee cũng bị hứng làn sóng chỉ trích vì sự nhất quán trong phát ngôn và hành động liên quan đến rác thải nhựa.

Trong khi trên mỗi bàn tại Highlands đều đặt table stand kêu gọi hành trình "30 ngày hình thành một thói quen sống xanh", ống hút, muỗng, ly nhựa vẫn tràn lan tại các cửa hàng của hệ thống này.

Hơn 4 tháng sau chiến dịch được phát động, hầu hết đồ uống lạnh tại Highlands Coffee vẫn được phục vụ trong các ly nhựa, kèm nắp đậy, muỗng, bọc muỗng và ống hút bằng nhựa dù là uống tại quán hay mang đi. Với đơn hàng mang đi, các quán còn sử dụng thêm túi nhựa để tiện di chuyển.

Khi khách hàng yêu cầu được đổi sang ly sứ, nhân viên chuyển đồ uống từ ly nhựa qua kèm lời giải thích rằng phải yêu cầu riêng.

Thậm chí, trên website và trang fanpage chính thức, hầu hết bài đăng, quảng cáo của Highlands đều sử dụng hình ảnh sản phẩm nước uống đựng trong các ly nhựa, muỗng nhựa.

Sống xanh hay chiêu trò của các chuỗi kiểu Phúc Long, Highlands - Ảnh 2.

Sau hơn 4 tháng triển khai chiến dịch "Những cánh tay xanh", các cửa hàng Highlands Coffee vẫn ngập tràn đồ nhựa. Ảnh: Văn Nguyện.

Trao đổi với Zing.vn, nhiều người tiêu dùng đều cho rằng biện pháp triệt để nhất là các quán chủ động thay thế những sản phẩm từ nhựa, bởi việc mang bình hoặc ly cá nhân đến quán rất bất tiện.

“Thông thường tôi đi công việc rồi ghé vào café, nếu mang theo bình nước thì không tiện chút nào”, anh Thành Thật (ngụ quận 8, TP.HCM) chia sẻ.

Không chỉ riêng Phúc Long và Highlands Coffee

Trên thực tế, tình trạng sử dụng đồ nhựa tràn lan hiện diện ở hầu hết nhà hàng và quán cà phê, trà sữa tại Việt Nam.

Trao đổi với Zing.vn, quản lý 2 chuỗi nhà hàng lớn tại TP.HCM đánh giá hầu hết cửa hàng F&B hiện nay chưa thể chuyển sang sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường. Lý do chủ yếu đến từ chi phí.

Sống xanh hay chiêu trò của các chuỗi kiểu Phúc Long, Highlands - Ảnh 3.

Tình trạng sử dụng đồ nhựa tràn lan hiện diện ở hầu hết nhà hàng và quán café, trà sữa tại Việt Nam. Ảnh: Văn Nguyện.

Lấy ví dụ về một đơn hàng thức ăn, vị này cho biết, hiện có các loại hộp đựng mang đi làm từ nhựa xốp thông thường, nhựa thực phẩm và hộp từ bã mía, xơ tre…

Trong khi đó, nhựa xốp tiết ra độc tố khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, nhưng lại được sử dụng phổ biến nhất vì chỉ tốn 200-300 đồng/cái. Còn hộp nhựa thực phẩm không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nhưng vẫn gây hại đến môi trường.

Riêng hộp làm từ các chất liệu thân thiện như bã mía, xơ tre có giá lên đến 3.000-5.000 đồng, hơn gấp 10 lần hộp nhựa xốp.

Ngoài ra, “đây còn là sự thay đổi về cả khâu vận hành và kiểm soát, cũng như ý thức của người quản lý”, bạn Nguyễn Hữu Quỳnh Hương (22 tuổi), người sáng lập trang “Mình là Hũ”, từng gây ấn tượng với những tấm bảng “Tui bán rau, không bán túi ni-lông” chia sẻ.

Nhiều năm hoạt động vì môi trường, Quỳnh Hương tin rằng cần có thêm thời gian để các nhà hàng và quán cà phê loại bỏ triệt để các sản phẩm nhựa này.

Liên quan đến vấn đề phân loại rác, đại diện một số quán cà phê cũng chia sẻ với Zing.vn rằng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm vật liệu chứa đựng và giải quyết bất tiện cho khách hàng.

"Rác phải đổ liên tục trong ngày để đảm bảo vệ sinh nhưng đơn vị xử lý môi trường mà chúng tôi liên kết cùng lại chỉ hỗ trợ mỗi ngày một lần. Trong khi đó, khách hàng cũng không biết làm thế nào để phân loại cho đúng từng nhóm rác thải. Điều này khiến họ mất thời gian và phiền hà nhiều", quản lý cửa hàng Phúc Long Nguyễn Thị Minh Khai cho biết.

Sự chủ động của người tiêu dùng

“Tất nhiên mình muốn các quán chủ động bỏ đồ nhựa và thực hiện phân loại rác thải hợp lý, vì số người tiêu dùng có ý thức luôn ít hơn số người không có ý thức. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần có trách nhiệm, quán đưa ra chính sách thì nên chủ động ủng hộ; nếu không hãy lựa chọn quán khác, điều này sẽ tạo sức ép để các quán thay đổi”, Quỳnh Hương nêu quan điểm.

Sống xanh hay chiêu trò của các chuỗi kiểu Phúc Long, Highlands - Ảnh 4.

Một số bạn trẻ hiện nay đã duy trì thói quen mang bình cá nhân đến mua thức uống tại các cửa hàng. Ảnh: Nguyễn Hữu Quỳnh Hương.

Đây cũng là ý kiến của một số bạn trẻ hiện nay. Ngọc Nhơn (22 tuổi, nhân viên văn phòng) nhận định, “bản thân mình chủ động thay đổi thì mới bền vững chứ làm sao chờ đợi người ta làm cái này cái kia, mời mình thay đổi được”.

“Văn phòng mình có 14 người thì 12 người dùng bình giữ nhiệt cá nhân để mua đồ uống, do hồi trước các anh chị lớn thấy tụi mình dùng nên mua dùng theo và hình thành thói quen”, Ngọc Nhơn cho biết và gợi ý mỗi cá nhân lan tỏa tinh thần vì môi trường đến những người xung quanh.

Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) năm 2018, Việt Nam thải ra hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa không qua xử lý, chiếm gần 6% lượng rác nhựa trên thế giới. Riêng Hà Nội và TP.HCM trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và ni-lông.

Đáng chú ý, mỗi sản phẩm từ nhựa cần từ 200-1.000 năm để có thể phân hủy hoàn toàn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đe dọa các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lĩnh vực tái chế chất thải nhựa của Việt Nam chưa phát triển với tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp.

Lan Anh