|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Gác bằng đại học, chàng trai đạp xe bán cà phê thân thiện môi trường

20:39 | 31/08/2019
Chia sẻ
Xe dừng đèn đỏ ở ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Cao Thắng, Q.3, TP.HCM, người đi đường không khỏi chú ý khi thấy trên lề, một chiếc xe đạp bán cà phê mang đi gắn hộp gỗ, treo các ly giấy, quai lục bình.

Chủ nhân của xe cà phê thân thiện, luôn nở nụ cười với người lại qua. Đó là Phạm Chí Mỹ, 26 tuổi. “Quai xách làm từ thân lục bình hả con?”, một người mua hỏi. “Dạ, đúng ạ. Ly giấy, còn đây là ống hút bằng gạo, có thể ăn được ạ”, Mỹ cười tươi, đưa ly cà phê bằng hai tay cho khách.

Muốn lan toả những điều tử tế

Mỹ bắt đầu rong ruổi trên chiếc xe đạp cà phê của anh một tháng nay. Anh đặt riêng thợ làm các giá gỗ để đồ cho vừa vặn với thân xe, mỗi ngày đều đặn thức giấc từ 4 giờ sáng để chuẩn bị mọi thứ và đạp xe từ Q.10 tới Q.3. Tới 6 giờ sáng, dòng người từ từ nhộn nhịp trên phố phường, anh có mặt ở ngã tư Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai. “Mỗi ngày tôi bán được từ 30-50 ly, thời gian đầu thì chỉ có hơn 10 ly thôi nhưng tôi không nản lòng. Nhiều khách mua hàng đều khen ngợi cà phê ngon, lại sống xanh, nhiều vị khách chạy xe xẹt ngang ngã tư, không mua cà phê đâu nhưng giơ ngón tay cái lên, nở nụ cười, với tôi đã là những động viên rất lớn”, Mỹ nói.

Gác bằng đại học, chàng trai đạp xe bán cà phê thân thiện môi trường - Ảnh 1.

Chiếc xe đạp đặc biệt của Mỹ đã quen thuộc trên vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai mỗi buổi sángThúy Hằng

Gác bằng đại học, chàng trai đạp xe bán cà phê thân thiện môi trường - Ảnh 2.

Quai xách cà phê làm từ lục bình, ống hút bằng bột gạoThúy Hằng

Đam mê với cà phê, Mỹ mở tiệm cà phê của riêng mình ở Q.10, TP.HCM từ cách đây hơn 2 năm, sau đó các buổi chiều anh có đi chào các mặt hàng như ly giấy, ống hút gạo, quai xách lục bình ở các tiệm cà phê, tuy nhiên chưa nhiều tiệm sẵn sàng thay đổi vì lợi ích tốt hơn cho môi trường.

“Tôi nghĩ là người ta chưa dám thay đổi, thì tại sao tôi lại không bắt đầu? Vậy là ý tưởng chiếc xe đạp bán cà phê thân thiện với môi trường này ra đời. Mỗi ngày, với chiếc xe đạp này bán được cho 30, hay 50 khách hàng, tôi không chỉ giúp từng đó người giảm thiểu rác thải nhựa, mà còn lan toả thông điệp sống xanh tới rất nhiều người đi đường khác, qua những gì họ nhìn thấy”, Mỹ bộc bạch.

Mỹ cho biết dù chi phí cho ly giấy, ống hút gạo, quai xách lục bình lớn hơn là dùng đồ nhựa, nhưng anh vẫn không tăng giá cà phê, mỗi ly cà phê sữa đá vẫn 15.000 đồng, 13.000 đồng với đen đá, “Lợi nhuận sẽ ít hơn, nhưng tôi cảm thấy thanh thản khi làm được những điều tử tế”.

Không tiếc khi gác lại bằng đại học

Phạm Chí Mỹ quê ở xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Học giỏi, luôn là niềm tự hào của gia đình, năm 2011, Mỹ thi đậu ngành điện-điện tử, Trường đại học Bách khoa TP.HCM, sau đó mất 4 năm rưỡi để hoàn thành chương trình học.

Ra trường, Mỹ tiếp tục có 2 năm trở thành lập trình viên làm việc trong một công ty tư nhân. Tuy nhiên, công việc không nhiều hứng thú, Mỹ đi theo niềm đam mê mà anh ấp ủ đã lâu, đó là cà phê. “Từ thời sinh viên tôi đã ước mơ sẽ có được quán cà phê của riêng mình. Tôi nhận ra mình không thể tiếp tục ngày nào cũng hơn 8 tiếng đồng hồ làm một cái gì mình không đam mê để lấy những khoản lương dù ổn định. Khi biết tôi bỏ lại bằng đại học để mở quán cà phê, cha mẹ hơi buồn và thất vọng, vì dù gì tôi cũng là người đầu tiên của gia đình thi đậu một trường đại học lớn như Bách khoa. Nhưng dần dần, cha mẹ tin tưởng, ủng hộ tôi”, Mỹ nói.

 - ảnh 3
- ảnh 3
 - ảnh 4
- ảnh 4

Mỹ vui, vì làm được những điều tử tếThúy HằngMỗi ly cà phê lan toả thông điệp sống xanh tới rất nhiều người đi đườngThúy Hằng

Điều Mỹ cảm thấy là anh đang đi đúng đường, đó là từ ngày được làm việc với cà phê, anh không bao giờ cảm thấy mệt mỏi, chán nản, mặc dù mỗi ngày anh đều bắt đầu khởi động từ 4 giờ sáng, làm việc cho tới khuya muộn. “Tôi thật sự đã tìm được đam mê của mình. Và đúng như câu nói tôi đã đọc được ở đâu đó, khi làm theo đam mê, mỗi ngày với mình không còn là những ngày đang phải đi làm”, Mỹ hào hứng.

Mỹ ấp ủ dự định nhân rộng mô hình xe đạp bán cà phê thân thiện với môi trường, để ở TP.HCM, nhiều cung đường cũng sẽ có chiếc xe đạp giống như anh, đồng thời đưa ly làm bằng bã mía khi giao cà phê về tận nhà cho khách hàng.

Vợ sắp cưới của Mỹ là bác sĩ khoa thận, Bệnh viện nhi đồng 2 TP.HCM, nhiều lần đến bệnh viện, chứng kiến nhiều bệnh nhi hoàn cảnh rất khó khăn, Mỹ xây dựng trang Smile 2K Coffee. Anh bộc bạch: “Khi hệ thống xe đạp cà phê của tôi nhân rộng với 20-30 xe, mỗi ly cà phê bán ra, chúng tôi trích ra được 2.000 đồng, ủng hộ vào quỹ công tác xã hội của Bệnh viện nhi đồng 2 thành phố, nó sẽ làm được những điều ý nghĩa cho những em nhỏ nơi này”.

Thúy Hằng