|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sớm ban hành quy định về P2P

08:16 | 09/08/2019
Chia sẻ
Trong năm 2018, khoảng 400 sàn cho vay ngang hàng (P2P) tại Trung Quốc bị sụp đổ chỉ trong vòng 2 tháng và các nhà đầu tư không thể đòi lại được tiền đã cho vay.
cong_ty_way_muon_anh_ngoc_thang_zrah

Hoạt động tại Công ty Vay Mượn - một trong nhiều công ty cung cấp dịch vụ P2P tại VN. Ảnh: Ngọc Thắng

Trước đó, Trung Quốc không kiểm soát thị trường P2P và xem đó là hoạt động trao đổi thông tin khoản vay nên đã tạo ra nhiều kẽ hở cho các biến tướng huy động vốn bất hợp pháp theo mô hình đa cấp, cho vay lãi suất cao.

Sau hàng loạt các sàn đổ vỡ, chính phủ Trung Quốc đã bổ sung 10 biện pháp kiểm soát như cấm mở thêm các website cho vay trực tuyến, yêu cầu các công ty P2P còn hoạt động phải dỡ bỏ các rào cản đối với việc khách hàng khiếu nại, tăng cường hình phạt đối với các công ty P2P có hành vi lừa đảo; thiết lập chương trình bồi thường cho nhà đầu tư khi các công ty P2P phá sản... Từ sau những quy định thắt chặt, số lượng sàn cho vay ngang hàng của Trung Quốc cũng giảm xuống, 80% trong 6.200 nền tảng cho vay P2P đóng cửa.

Tuy nhiên, hoạt động P2P ở một số nước có sự quản lý của chính phủ vẫn hoạt động khá ổn. Mỹ là thị trường P2P lớn thứ 2 trên thế giới. Các công ty muốn triển khai nền tảng cho vay ngang hàng phải có giấy phép hoạt động từ Ủy ban Chứng khoán và ngoại hối (SEC) và giấy phép từ chính quyền tiểu bang. Các quy định khá nghiêm như giới hạn vốn huy động.

Cụ thể, công ty P2P tối đa huy động 1,07 triệu USD mỗi năm từ nhà đầu tư; quy định giới hạn đầu tư cá nhân trong vòng 12 tháng; các tiêu chuẩn, yêu cầu về công khai thông tin đối với các công ty P2P khiến dịch vụ này ở Mỹ hoạt động tương đối ổn định.

Một số nước trong khu vực châu Á cũng có biện pháp quản lý hình thức P2P như Malaysia quan niệm P2P là hình thức đầu tư vốn nên Ủy ban Chứng khoán quốc gia (SC) giữ vai trò quản lý, ban hành các quy định nghiêm như lãi suất cho vay không được quá 18%/năm, chỉ có các công ty Malaysia với số vốn thực góp tối thiểu 5 triệu ringgit (khoảng 1,2 triệu USD) mới được cung cấp nền tảng và dịch vụ cho vay P2P. Còn các công ty P2P tại Indonesia do Cơ quan Quản lý dịch vụ tài chính (OJK) quản lý, có vốn tối thiểu 1 triệu rupiah (khoảng 67.000 USD) khi đăng ký và 2,5 triệu rupiah để được chính thức cấp giấy phép kinh doanh. Các công ty P2P này phải ký quỹ và có tài khoản định danh tại ngân hàng trong thời gian hoạt động...

Từ những kinh nghiệm trên thế giới, Trung tâm nghiên cứu BIDV nhận định việc quản lý hoạt động P2P cần tập trung vào quy định giới hạn đầu tư, cho vay của nhà đầu tư; quy định về tiêu chuẩn cấp phép, hoạt động và giám sát đối với tổ chức cung cấp nền tảng công nghệ; quy định và hoạt động giám sát công bố thông tin.

T. Xuân