|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tín dụng đen online núp bóng cho vay ngang hàng: Mập mờ pháp lý, doanh số tỷ đô

09:42 | 12/07/2019
Chia sẻ
Mặc dù quảng cáo hoạt động theo hình thức cho vay ngang hàng (P2P Lending), song nhiều công ty ngày càng lộ rõ là tín dụng đen trá hình khi cho vay lãi suất cắt cổ lên tới 200-300%/năm, đòi nợ kiểu khủng bố.
p2p

Số công ty trá hình, núp bóng P2P không nhỏ khiến mô hình này đang chịu nhiều tiếng xấu. Ảnh: Đức Thanh

Pháp nhân mập mờ, doanh số hàng tỷ USD 

Vài năm gần đây, mô hình cho vay trực tuyến trên mạng bùng nổ. Trong vai khách hàng vay, phóng viên được nhân viên nhiều trang web cho vay trực tuyến như doctordong, vayrenhat, mofin… mời chào vay vốn với lãi suất dao động từ 20% đến 40%/tháng (tính cả phí), tương đương 240 - 480%/năm.

Không chỉ cho vay với lãi suất cao, nhiều công ty cho vay trực tuyến từ lâu cũng gây bức xúc cho người dân vì kiểu đòi nợ khủng bố. 

Thế nhưng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại không thể cấm bởi các công ty này hoạt động dưới vỏ bọc "công ty tư vấn tài chính", chuyên cho vay P2P. Tức là về danh nghĩa, các công ty này chỉ đứng ra kết nối người vay tiền với người đi vay, chứ không trực tiếp cho vay.

Theo số liệu của NHNN, hiện cả nước có 40 công ty P2P. Dư nợ cho vay qua kênh này chưa được thống kê, song chắc chắn lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng. Riêng tại sàn Tima, doanh số cho vay (theo công bố của công ty này) đã lên tới gần 75.000 tỷ đồng, tức hơn 3 tỷ USD.

Đặc biệt, hiện nay, pháp nhân của nhiều công ty P2P rất mập mờ. Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP tiết lộ: "Đa phần cổ đông cốt cán của công ty cho vay trực tuyến hiện nay đều xuất phát từ tín dụng đen. 

Thậm chí, tôi được biết, nhiều công ty P2P ở Việt Nam chỉ do người Việt đứng tên, còn ông chủ thực sự là người Trung Quốc. Họ thuê người Việt đứng tên thành lập công ty, thuê xã hội đen đòi nợ, đứng giữa ăn lãi khủng, nhưng không lộ mặt".

Chính NHNN cũng khẳng định, việc Chính phủ Trung Quốc siết chặt quản lý thị trường P2P sau một thời gian "thả cửa" đã khiến nhiều công ty P2P Trung Quốc chạy sang các nước "hàng xóm", trong đó có Việt Nam. Trong số 40 công ty P2P Lending đang hoạt động ở Việt Nam, có 10 công ty có nguồn gốc từ nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về mối nguy tín dụng đen và các công ty P2P Trung Quốc len lỏi vào Việt Nam, ông Bradley LaLonde, đồng sáng lập, thành viên điều hành Vietnam Partners cho rằng: "Với các nền tảng P2P đến từ Trung Quốc, người dân có thể vay tiền nếu lãi suất hợp lý. 

Tuy nhiên, nếu góp vốn thì phải cân nhắc. Rất nhiều công ty P2P tại Trung Quốc sau khi huy động tiền của nhà đầu tư đã không tiến hành cho vay, mà âm thầm bỏ trốn. Nền tảng vay trực tuyến Ezubo đã biến mất cùng 7,7 tỷ USD của người gửi tiền đầu năm nay là ví dụ điển hình".

Thận trọng với mô hình P2P Lending

Cách đây mấy năm, sàn vàng Khải Thái, với chiêu bài "tư vấn đầu tư", đã thu hút hàng trăm tỷ đồng của nhà đầu tư. Ông chủ sàn vàng Khải Thái (người Đài Loan, Trung Hoa) sau đó đã bị khép án chung thân vì tội lừa đảo 261 tỷ đồng của 700 người bị hại.

Tại Trung Quốc, các công ty P2P ban đầu cũng được Chính phủ thả cửa bởi quan điểm đây là mô hình "tư vấn đầu tư". Tuy nhiên, cách quản lý này đã khiến mô hình P2P tại Trung Quốc bùng phát, dần biến tướng sang tín dụng đen và huy động vốn đa cấp, dẫn tới đổ vỡ hàng loạt.

Tại Việt Nam, NHNN tỏ ra rất thận trọng với mô hình P2P. Mới đây, ngày 10/7, cơ quan này đã đưa ra văn bản cảnh báo tới tất cả các tổ chức tín dụng và người dân thận trọng trong việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận hợp tác với các công ty P2P. 

NHNN cảnh báo, các nền tảng giao dịch trực tuyến của công ty P2P Lending chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đánh giá, nên có thể tồn tại nguy cơ bị tấn công mạng và đánh cắp thông tin gây thiệt hại cho các bên tham gia.

Thậm chí, một số công ty P2P Lending là kênh phân phối, tìm kiếm khách hàng cho vay công ty tài chính, công ty cầm đồ. Trong đó, một số công ty cầm đồ sử dụng nguồn tiền từ các khoản vay nước ngoài hoặc các khoản vay từ các cá nhân, tổ chức trong nước để cho vay lại.

Một số đối tượng có thể lợi dụng mô hình này thực hiện hành vi bất hợp pháp (hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính đa cấp…) và đưa ra quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh để lừa đảo, chiếm dụng vốn của người dân. 

Từ đó, gây tác động tiêu cực tới cuộc sống của người dân, gây bất ổn an ninh kinh tế và ổn định xã hội.

Hiện Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành đánh giá thực trạng của 40 công ty P2P trên thị trường và giao NHNN chủ trì xây dựng quyết định của Thủ tướng quy định về phương thức hoạt động của mô hình cho vay P2P. Quyết định được kỳ vọng sẽ giúp thị trường P2P Lending ở Việt Nam đi vào khuôn khổ, ngăn chặn được các hành vi biến tướng, lách luật của mô hình kinh doanh này.

Để thị trường phát triển đúng hướng…

Trong số 40 công ty P2P ở Việt Nam, một số công ty đang hoạt động theo mô hình P2P đúng nghĩa, giúp nhiều người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn ngân hàng. Tuy nhiên, số công ty trá hình, núp bóng lại không nhỏ khiến mô hình này đang chịu nhiều tiếng xấu.

Ông Nguyễn Việt Hưng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lendbiz - một trong những công ty P2P đầu tiên tại Việt Nam cung cấp sản phẩm cho vay với doanh nghiệp, hộ gia đình thừa nhận, P2P là một sáng tạo tuyệt vời trong lĩnh vực tài chính và công nghệ, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu rơi vào kẻ xấu.

Vì vậy, ông Hưng kỳ vọng, cơ quan quản lý sớm ban hành khuôn khổ pháp lý về hoạt động P2P để thị trường phát triển đúng hướng.

Hà Tâm