|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sở Công Thương TP HCM lý giải việc trạm xăng bán cầm chừng 20.000 - 30.000 đồng/xe

16:30 | 10/10/2022
Chia sẻ
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, việc bán cho khách theo giới hạn chỉ mang tính tình huống ở một số cửa hàng xăng dầu và không diễn ra thường xuyên, liên tục.

Chiều 10/10, trả lời với báo chí về việc liệu có hay không tình trạng găm hàng trước kỳ điều chỉnh giá khi một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa hoặc bán cầm chừng nhỏ giọt cho khách hàng với định mức 20.000 - 30.000 đồng/xe, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết việc bán nhỏ giọt có thể xem là giải pháp để duy trì hoạt động thay vì đóng cửa.

Theo ông Phương, việc bán cho khách theo giới hạn chỉ mang tính tình huống ở một số cửa hàng và không diễn ra thường xuyên, liên tục.  

"Chúng ta cần đánh giá, xem xét một cách hợp lý. Nếu họ gặp khó khăn về nguồn cung mà mình chưa cung ứng kịp thời thì cũng khó xử lý. Trong trường hợp doanh nghiệp đã được hỗ trợ mà vẫn cố tình bán  nhỏ giọt thì cơ quan quản lý mới có hướng xử lý", ông Phương cho hay.  

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, chia sẻ với báo chí về tình hình xăng dầu trên địa bàn TP HCM chiều 10/10. (Ảnh: CTV)

Còn về việc đóng cửa, theo quy định, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải có ý kiến chấp thuận của Sở Công Thương trước khi đóng các cửa hàng. Trường hợp doanh nghiệp tự ý đóng cửa trước khi được chấp thuận sẽ bị xử lý. 

"Việc xử lý cần kèm theo điều kiện là cơ quan quản lý xác định có hiện tượng găm hàng, chờ lên giá để bán. Cơ quan quản lý thị trường, chính quyền các quận, huyện sẽ xem xét vấn đề này thông qua kiểm tra nguồn dự trữ, cũng như hoạt động mua bán, doanh nghiệp có khó khăn, vướng mắc về nguồn cung hay không", ông Nguyễn Nguyên Phương phân tích. 

Phó Giám đốc Sở Công Thương cũng cho biết tình hình người dân gặp khó khăn khi việc mua xăng vẫn đang trong tầm kiểm soát. Hiện có 58 cửa hàng xăng dầu tạm thời hết xăng. Trong đó, có 3 cửa hàng đóng cửa vói lý do phải sửa chữa, thanh lý hợp đồng... Các cửa hàng còn lại kinh doanh bán nhỏ giọt hoặc thiếu hàng.

Nguyên nhân chính là việc đặt hàng nhưng nhà cung cấp thiếu, ngoài ra là giờ cao điểm khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao nhưng xe vận chuyển không kịp trong khi cửa hàng nhỏ lẻ dự trữ thấp, do đó việc tạm thời hết hàng hoàn toàn khách quan. 

 Một cửa hàng kinh doanh xăng dầu của Petrolimex tại quận Bình Thạnh, TP HCM. (Ảnh: Như Huỳnh)

Cũng theo ông Phương, lượng xăng tiêu thụ tại Petrolimex, đơn vị sở hữu 70 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TP HCM trung bình mỗi ngày bán 1.400 m3, trong ngày 9/10 đã tăng lên 1.900m3 . Dự kiến ngày 10/10 sẽ bán hơn 2.000 m3.

Trước đó vào đêm 9/10, Petrolimex đã huy động 80 xe bồn với tổng 1.600 m3, tương đương trung bình 20 m3/xe, vận chuyển xăng dầu từ kho về nhập cho tất cả hệ thống cửa hàng bán lẻ của mình để tăng cường nguồn cung bù đắp cho các cửa hàng lân cận đóng cửa hoặc bị gián đoạn nguồn cung cục bộ.

"Trong tình trạng một số cửa hàng tạm ngưng bán xăng, người dân sẽ đổ xô vào mua, cửa hàng hoạt động bình thường cũng sẽ gặp khó khăn trong những lúc cao điểm. Hiện số lượng cửa hàng hết xăng còn dầu chiếm hơn 10% trong tổng số 550 cửa hàng trên địa bàn, vì vậy còn 90% cửa hàng đang hoạt động bình thường, người dân có thể yên tâm mua hàng", Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết.

Như Huỳnh