Sở Công Thương: Hàng quán chưa mở lại do thiếu nguyên liệu là chưa chính xác
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 chiều 10/9, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, khẳng định thông tin các hàng, quán trên địa bàn chưa thể mở lại do thiếu nguyên liệu là chưa chính xác, Zing News đưa tin.
"Theo số liệu thống kê, các doanh nghiệp kinh doanh ăn uống lên tới hơn 7.500 đơn vị, số lượng hộ kinh doanh cá thể lên tới hàng chục nghìn. Do đó, thông tin từ 1-2 doanh nghiệp để đánh giá tình hình chung cho toàn bộ hệ thống là chưa chính xác", lãnh đạo Sở Công Thương nhận định.
Theo ông Phương, các nguyên liệu chính của các hàng quán như tinh bột, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả và các loại gia vị đường, muối ăn... Tất cả các loại thực phẩm này qua theo dõi của Sở Công Thương là không thiếu.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho rằng, số lượng hàng quán, cửa hàng kinh doanh ăn uống trên địa bàn được mở lại còn thấp so với số lượng đến từ một số nguyên nhân.
Lý giải thêm về vấn đề này, ông nói: "Theo Văn bản 2994, các loại hình kinh doanh phải thực hiện 3 tại chỗ, thực hiện bán mang đi theo shipper. Tuy nhiên, shipper hiện nay chỉ hoạt động trong phạm vi một quận huyện, 3 tại chỗ có một số khó khăn và cách thức tiếp cận nguyên liệu khác so với trước như phải đặt hàng qua các đơn vị khác, một số nhà cung cấp chưa có giấy đi đường".
"Ngoài ra, quán ăn chỉ được phục vụ trong phạm vi quận huyện qua shipper cũng khiến hộ kinh doanh gặp khó về lượng khách. Do đó, hộ kinh doanh phải cân nhắc có mở cửa thời điểm này hay không", ông Nguyễn Nguyên Phương cho hay.
Ông Phương khẳng định lý do các quán ăn chưa mở cửa vì thiếu nguyên liệu là chưa chính xác.
Trước đó, UBND TP HCM đã ban hành Văn bản 2994 về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát trong thời gian giãn cách xã hội. Trong đó, UBND TP HCM cho phép các loại hình kinh doanh ăn uống, cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6h-18h hàng ngày bằng hình thức mang đi.
Quy định này đi kèm theo điều kiện như các cơ sở chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) và phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.
Từ ngày 23/8, TP HCM áp dụng các biện pháp siết chặt giãn cách xã hội, tăng cường quản lý các phương tiện lưu thông trên đường nhằm hướng tới việc kiểm soát dịch bệnh vào ngày 15/9 theo yêu cầu của Nghị quyết 86.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong ngày 9/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 5.549 trường hợp nhiễm mới tại TP HCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP HCM đã có tổng cộng 278.703 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.