|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chủ quán ăn tại TP HCM: Chi phí quá cao, chúng tôi thà đóng cửa còn hơn bán rồi chịu lỗ

15:42 | 10/09/2021
Chia sẻ
Đã hai ngày kể từ thông báo cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động từ 6h đến 18h hằng ngày, theo hình thức bán mang về, nhưng nhiều cửa hàng vẫn tỏ ra dửng dưng hoặc e dè trong việc mở cửa trở lại.

Trên những tuyến đường vốn đông đúc hoạt động kinh doanh ăn uống như: Tôn Đản, Đoàn Văn Bơ (quận 4), Vạn Kiếp, Bùi Đình Túy (quận Bình Thạnh), Phan Xích Long (quận Phú Nhuận),... hầu hết các quán ăn vẫn chưa mở cửa, hoặc chỉ mở nhưng không dọn dẹp, buôn bán.

Khó khăn nguồn cung nguyên liệu, bán không có lời

Thông báo cho phép các quán ăn được bán trở lại tưởng chừng "được lời như cởi tấm lòng". Nhưng các hàng quán vẫn phải cân nhắc bởi cho phép không đồng nghĩa có thể bán được ngay, vì còn rất nhiều vướng mắc.

"Gia đình muốn bán lắm nhưng không được vì không có bánh phở. Mối quen ở Thủ Đức và Tân Phú đều chưa hoạt động trở lại, mà nếu có thì cũng không giao cho mình được. Bây giờ tự làm bánh thì tốn công, tốn điện, phí ship cao, ít khách nên chưa chắc lại vốn, bán phải được 150 - 200 tô/ngày thì mới có lời", chú Minh, chủ quán phở Cồ Bảy (đường Lâm Văn Bền, quận 7), chia sẻ.

TP HCM cho phép quán ăn mở lại: Thà đóng cửa còn hơn bán không lời - Ảnh 1.

Quán phở chỉ mở cửa quét dọn mà không bán vì thiếu nguyên liệu. (Ảnh: Trần Vũ).

Không chỉ các quán bún phở, các quán cơm cũng không khá khẩm hơn. Kể từ ngày TP HCM siết chặt giãn cách xã hội, quán cơm Xuân Hinh (quận 7) của vợ chồng chị Xuân phải đóng cửa rồi chuyển sang bán... bánh mì, sau khi UBND TP cho phép các lò bánh mì hoạt động từ ngày 15/8.

Theo lời chủ quán, để bán cơm trở lại, cần phải đi chợ hằng ngày, thực phẩm dồi dào nhưng hiện tại các chợ và mối bỏ sỉ vẫn chưa hoạt động, mua đồ ở các siêu thị phải chờ đợi, hàng hóa hạn chế, giá cả đắt đỏ hơn nhiều. Sau khi tính đi tính lại, thấy không có lời, vợ chồng chị đành quyết định vẫn bán bánh mì.

TP HCM cho phép quán ăn mở lại: Thà đóng cửa còn hơn bán không lời - Ảnh 2.

Quán cơm chuyển sang kinh doanh bánh mì vì nhiều lý do. (Ảnh: Trần Vũ).

Với những quán ăn thuê mặt bằng thì khó khăn càng chồng chất hơn nếu muốn mở lại. Sở hữu mặt bằng đẹp tại 296 Pasteur (quận 3), nằm ở trung tâm và tập trung nhiều văn phòng, nhiều tháng qua ông Tuấn - chủ quán cơm tấm Phương – phải oằn mình gánh khoản tiền thuê nhà 45 triệu đồng/tháng, cố gắng cầm cự với hy vọng thành phố sớm hết giãn cách, để buôn bán trở lại.

"Giá nguyên liệu tăng cao, việc nhập hàng để buôn bán trở lại rất khó khăn nên tôi phải nhờ người thân ở dưới quê mua thịt, cá, rau củ... và vận chuyển bằng xe tải lên. Tuy có bất tiện nhưng phải chấp nhận thôi, được bán trở lại có đồng ra đồng vào là tôi mừng lắm rồi", ông Tuấn chia sẻ với Zing News.

Trước mắt, gia đình đã chuẩn bị 100 suất để bán thăm dò trong ngày 10/9, nếu bán được sẽ từ từ tăng lên. Khi chưa có dịch, mỗi ngày quán bán từ 300 - 400 suất cơm với giá 35.000 - 45.000 đồng tùy món.

TP HCM cho phép quán ăn mở lại: Thà đóng cửa còn hơn bán không lời - Ảnh 3.

Nhiều hàng quán ở quận Bình Thạnh vẫn tiếp tục đóng cửa. (Ảnh: CAND).

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Bích Liên (57 tuổi) - chủ của một quán hủ tiếu trên đường Nguyễn Văn Lịch (phường Linh Tây, TP Thủ Đức), trong phản ánh với báo Thanh Niên lại quyết định chưa mở cửa trở lại.

"Thực lòng, tôi rất muốn bán lại vào lúc này, vừa nhớ nghề, vừa nhớ khách. Nhưng ngay trước đường có một cái chốt chặn ngang, ra vào không được. Bản thân tôi muốn đi mua thực phẩm dùng trong nhà còn khó, nói gì tới việc buôn bán", cô tâm sự.

Cô cho biết thời điểm này tìm được nguồn nguyên liệu rất khó khi chợ đóng cửa, các mối quen của mình đều không thể tiếp tục công việc kinh doanh. Còn để nấu được một tô hủ tiếu ngon, cô phải chọn nguyên liệu rất khắt khe nên nếu không có nguyên liệu ưng ý thì không thể bán.

Tiếp tục đóng cửa vì chi phí xét nghiệm, giá ship cao

Hiện tại, để được phép hoạt động trở lại, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống phải hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ", kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến và giao qua shipper.

UBND TP cũng yêu cầu các cơ sở này phải đăng ký kinh doanh với địa phương, đảm bảo lao động đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin và test nhanh âm tính 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người.

Tuy nhiên, nhiều chủ quán ăn vẫn còn băn khoăn cách thực hiện 3 tại chỗ và test nhanh. Cô Mai (quán cơm tấm 129 Đoàn Văn Bơ, quận 4) cho biết bình thường quán có 2-3 nhân viên phụ việc nên nếu phải áp dụng 3 tại chỗ thì gia đình chưa biết xoay xở thế nào về chỗ ở. 

Ngoài ra, chuyện xét nghiệm hai ngày một lần, chỉ tính sơ sơ 150.000 đồng/bộ kit thì chi phí xét nghiệm cũng là cả vấn đề.

TP HCM cho phép quán ăn mở lại: Thà đóng cửa còn hơn bán không lời - Ảnh 4.

Chi phi xét nghiệm 2 ngày/lần cũng là vấn đề nan giải của các chủ quán nếu mở lại. (Ảnh: Trần Vũ).

Tương tự, chị Vân (chủ quán Mây Coffee, đường Bùi Thị Xuân, quận 1) cũng rất háo hức khi TP cho phép bán trở lại nhưng chị vẫn đang trong trạng thái chờ đợi, thăm dò. Bởi nhân viên của quán đã về quê từ lâu, trong khi thời gian này nhu cầu uống cà phê mang đi cũng sẽ rất ít ỏi.

"Chi phí xét nghiệm tầm 200.000 đồng/lần, mỗi thứ mỗi ít cộng lại cũng tốn kém nên tính ra vừa không hiệu quả, lại thêm rủi ro dịch bệnh", chị Vân nói về quyết định tiếp tục đóng cửa của mình.

Vấn đề shipper cũng khiến các quán ăn ngần ngại khi mở cửa trở lại. Bởi việc bán mang đi phải thông qua các đối tác giao hàng công nghệ nhưng hiện yêu cầu thủ tục của những đơn vị này khá rắc rối. Trong khi, số lượng shipper đang khá ít ỏi và rất khó để đặt được. Việc chỉ giao hàng trong quận cũng chưa chắc mang lại lợi nhuận.

TP HCM cho phép quán ăn mở lại: Thà đóng cửa còn hơn bán không lời - Ảnh 5.

Số lượng shipper hoạt động khá ít, chi phí ship cao khiến nhiều chủ quán e ngại khi hoạt động trở lại. (Ảnh: Trần Vũ).

Theo quan sát, hiện giá ship nội quận trong phạm vị 2,5km của Baemin đã tăng gần 30%, từ 17.000 đồng/chuyến lên 22.000 đồng, tương tự GrabFood cũng tăng lên 23.000 đồng/chuyến, ShopeeFood là 25.000 đồng (chưa kể phí dịch vụ). 

"Bây giờ để mua một hộp cơm gà hoặc cơm sườn, khách hàng có khi phải bỏ ra 80.000 - 100.000 đồng/hộp thì được bao nhiêu người mua. Họ mua xong liệu có dám mua lại lần nữa hay sẽ đi luôn. Bán kiểu này có khi còn lỗ hơn không bán", chủ tiệm cơm tấm trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) phân tích.

Sơn Thạnh