Số cây xăng ngừng bán, bán cầm chừng chỉ chiếm 0,2%
Theo Bộ Công Thương, trong những tháng đầu năm 2022, khoảng 20-30 cửa hàng tập trung ở một số tỉnh miền Nam trên tổng số gần 17.000 cửa hàng xăng dầu trên cả nước có hiện tượng ngừng bán hoặc bán hàng cầm chừng.
Nguyên nhân là nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất do khó khăn về tài chính nên lượng giao hàng cho các thương nhân đầu mối bị sụt giảm (tháng 2 giảm 50%; tháng 3 giảm 20% trong khi Nghi Sơn chiếm 35-40 tổng cung xăng dầu cho cả nước).
Giá thế giới tăng cao do cung giảm và gián đoạn, cầu tăng, biến động địa chính trị đặc biệt Nga-Ukraine, các nước nới lỏng tiền tệ và tài khóa nên giá hàng hóa cơ bản tăng mạnh.
Bên cạnh đó, nguồn cung trên thế giới khan hiếm và chi phí để đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng mạnh.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã đưa ra 4 nhóm giải pháp, bao gồm tạo nguồn hàng, đảo bảo nguồn cung (tăng công suất của nhà máy lọc dầu Bình Sơn; khắc phục sự cố của nhà máy Nghi Sơn; tăng nhập khẩu xăng dầu); điều tiết cung cầu; quản lý thị trường và điều hành giá.
Bộ Công Thương khẳng định: “Số lượng cây xăng ngừng bán hoặc bán hàng cầm chừng chỉ chiếm 0,2% trong tổng số cây xăng của cả nước. Số còn lại vẫn duy trì bán hàng bình thường, chưa lần nào xảy ra hiện tượng thiếu xăng dầu, dù là cục bộ”.
Nguồn cung xăng dầu trong nước được đảm bảo, tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước năm 2022 khoảng 20,7 triệu m3, trong đó sản xuất trong nước khoảng 14,4 triệu m3, nhập khẩu khoảng 6,3 triệu m3.
Trong quý II, nhu cầu xăng dầu khoảng 5,2 triệu m3. Nguồn cung xăng dầu quý II dự kiến khoảng 6,7 triệu m3, chưa kể 2,4 triệu m3 theo quyết định bổ sung.
Với nguồn cung như trên sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng quý II và tồn kho gối đầu sang quý III khoảng 1,5 triệu m3.