|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sinh viên vỡ mộng khởi nghiệp

06:59 | 18/03/2017
Chia sẻ
Những dự án khởi nghiệp đồng loạt đã tạo ra một thế hệ sinh viên hoang tưởng hay còn gọi là “ngộ độc” khởi nghiệp.

Khởi nghiệp đang là khái niệm thời thượng được nhắc đến thường xuyên tại các trường ĐH. Tuy nhiên, phần lớn câu chuyện chỉ dừng lại ở các chương trình ngoại khóa, trong đó phổ biến nhất là những cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, đề tài khởi nghiệp.

Bầm dập khởi nghiệp

Quang H., cựu sinh viên (SV) Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, từng đoạt hai giải về cuộc thi tìm kiếm ý tưởng sáng tạo. Ngất ngây với hai giải thưởng, H. cùng một đồng môn bắt tay thực hiện dự án nhà nghỉ trưa tổ ong cho nhân viên IT mà cả hai dày công nghiên cứu. Kết cuộc là thành công chưa gặt mà thất bại đã thấy tận mắt trong quá trình cho ra sản phẩm.

H. giãi bày thực ra bản thân em bị ru ngủ khi nghĩ rằng ý tưởng của mình dễ dàng thành công mà bỏ qua khâu nghiên cứu thực tiễn. Do đó, khi triển khai dự án, cả hai đã cho ra hai sản phẩm khác nhau mà lẽ ra rất cần sự đồng thuận.

Từ thực tế bản thân, H. chia sẻ với SV muốn khởi nghiệp: “Trước hết phải nhúng mình vào thực tiễn. Có thể đi làm thuê, thử việc… để am hiểu lĩnh vực và xây dựng các mối quan hệ”.

Năm trước khi rộ lên món mì cay, Minh C., cựu SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đã cùng em gái mở ngay quán mì cay khi cho rằng đây là món khoái khẩu của giới trẻ chắc dễ thành công. Có điều quán của C. chỉ cầm cự được hơn ba tháng đã đóng cửa.

sinh vien vo mong khoi nghiep
Ngoài kiến thức, kỹ năng thì trải nghiệm thực tế sẽ giúp giới trẻ có được nhiều kinh nghiệm hơn khi khởi nghiệp. Ảnh: P.ĐIỀN

C. rút ra bài học cay đắng: Máu kinh doanh là điều cần thiết nhưng để thành công thì không thể dựa vào cảm tính và chạy theo số đông, thấy người ta bán cái gì phất lên là mình làm y chang. “Khởi nghiệp gian nan nhất là thuyết phục gia đình đầu tư, nếu ý tưởng thất bại sẽ khiến ba mẹ hoài ghi, khó thuyết phục cho lần sau” - C. chia sẻ.

Phạm Th., cựu SV Trường ĐH FPT, đang là giám đốc công ty trong ngành CNTT từng có giai đoạn gian nan đi bán hàng, thậm chí làm thuê cho khách sạn. Th. nhận xét nhiều bạn trẻ mở được công ty nhưng làm sao để giữ cho công ty hoạt động ổn, có lợi nhuận thì không hề dễ. “Để khởi nghiệp tốt thì vốn hay ý tưởng không phải thứ quan trọng nhất mà chính là con người. Nếu tìm được bạn đồng hành giỏi, cùng chí hướng thì cơ hội gặt hái thành công sẽ rất cao” - Th. chia sẻ.

Chưa tự chủ đã đòi làm chủ

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, đánh giá phần lớn các hoạt động khởi nghiệp tại các trường xuất phát từ các cuộc tìm kiếm đề tài, ý tưởng tốt. Tuy nhiên, các hoạt động này chưa có sự đánh giá tổng kết để xem đề tài, ý tưởng có khả thi như mong muốn những người tổ chức hay không. Nếu chỉ dừng lại ở vài đề tài, ý tưởng với các giải thưởng thì đó mới chỉ là lý thuyết suông dễ khiến SV sống ảo.

Ông Sơn cho rằng nhiều SV nghĩ đơn giản khởi nghiệp là mở một tiệm bánh, quán nước, lớn hơn là công ty, bán hàng trên mạng... Thậm chí có em bảo làm giám đốc là khởi nghiệp mà quên đi nội hàm làm chủ là gì. Đúc kết cho thấy hơn 30% công ty khởi nghiệp thành công có thâm niên nhiều năm vật lộn trên thương trường. Ngược lại, rất khó bắt gặp SV mới ra trường khởi nghiệp thành công ngay được.

“Giới trẻ thích nhìn vào những hình mẫu thành đạt với sự hào nhoáng bên ngoài nhưng lại quên mất họ đã lăn lộn ra sao, khó nhọc như thế nào và hình dung khởi nghiệp rất đơn giản. Đáng nói nhất là tính tự chủ, độc lập của SV Việt Nam còn kém. 18 tuổi chưa tự chủ, đến 20 tuổi sao đòi làm chủ được” - ông Sơn nhận xét.

Ông Sơn đúc kết muốn làm gì cũng phải có kiến thức và kỹ năng. Khá hài nữa là có em khởi nghiệp bán bánh mì nhưng 7 giờ sáng chưa dậy nổi thì làm sao mà làm chủ được. Thậm chí đi ăn còn chưa biết ăn gì, phải bắt bố mẹ đi mua hộ, đi học phải có người chở… Đây là những kỹ năng cần phải có trước rồi mới nghĩ đến chuyện làm chủ.

“Ngộ độc” khởi nghiệp Ông Vũ Tuấn Anh, Trưởng dự án Khởi nghiệp - Cộng đồng của Tập đoàn Hoa Sen, đã nhận xét như vậy và cho rằng một số dự án khởi nghiệp đồng loạt đã tạo ra một thế hệ SV hoang tưởng hay còn gọi là “ngộ độc” khởi nghiệp.

Ông Tuấn Anh cho rằng hào quang của khởi nghiệp cũng như showbiz, một ca sĩ thành danh thì có hàng vạn bạn trẻ thất bại. Thực tế, khởi nghiệp đòi hỏi sự lăn lộn, khó khăn, căng thẳng, thời gian làm việc từ 12 đến 15 tiếng mỗi ngày. Thậm chí đối mặt với nợ nần, ế ẩm, khách hàng xỉ vả hay gia đình hoài nghi.

Theo ông Tuấn Anh, tinh thần khởi nghiệp cần được thúc đẩy nhưng cần minh định khởi nghiệp không phải là mở công ty, mà bắt nguồn từ sáng tạo, tạo ra giá trị mới và khát khao hoàn thiện nó.

Không nên hiểu sai về khởi nghiệp. Nhiều chương trình khởi nghiệp do nhà trường và doanh nghiệp đang xây dựng, trong đó lưu ý các em hãy đi làm thuê với tinh thần làm chủ, chính trong công việc đó xem có gì có thể phát triển được, cải tiến được thì hãy tính đến khởi nghiệp. Nhà trường không mong muốn các em học xong thì vác đề tài của mình đi khởi nghiệp, hoàn toàn không mong muốn như vậy, ngoại trừ các em quá xuất sắc ý.

Ông PHẠM THÁI SƠN, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM

Phong Điền