|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sinh viên Trung Quốc mới ra trường chọn nghề livestream mưu sinh vì thu nhập cao

07:18 | 26/06/2021
Chia sẻ
Theo một khảo sát gần đây, livestream là nghề mang lại mức lương trung bình cao nhất mỗi tháng cho sinh viên mới ra trường tại Trung Quốc.

Với những sinh viên mới ra trường ở Trung Quốc, cách có thu nhập cao nhất trong năm 2021 là trở thành một nhà sáng tạo nội dung, SCMP dẫn một báo cáo của trang 58.com. 

SCMP bình luận đây là một dấu hiệu cho thấy việc theo đuổi sự nổi tiếng trên Internet thay vì tìm kiếm công việc trong các công ty lớn đang mang lại thu nhập cao hơn cho giới trẻ quốc gia tỷ dân.

Sinh viên mới ra trường ở Trung Quốc kiếm hơn 50 triệu đồng mỗi tháng nhờ livestream - Ảnh 1.

Thương mại điện tử qua livestream rất phổ biến ở Trung Quốc. (Ảnh: SCMP).

Cụ thể, livestreamer hay các nhà sáng tạo nội dung độc lập ở Trung Quốc đang kiếm được trung bình 14.682 nhân dân tệ mỗi tháng, tương đương 2.280 USD, trong năm 2021. Công việc trả lương cao thứ 2 theo khảo sát là thiết kế với mức lương trung bình mỗi tháng đạt 9.933 nhân dân tệ. Theo sau đó là mảng nghiên cứu/phát triển và công nghệ với mức lương trung bình tháng lần lượt là 9.867 nhân dân tệ và 9.845 nhân dân tệ.

Nhìn chung, mức lương trung bình cho sinh viên mới ra trường trong năm 2021 đạt 8.720 nhân dân tệ, tăng lên từ mức 7.839 nhân dân tệ của năm ngoái và 6.423 nhân dân tệ của năm 2019. Theo khảo sát, trong cả 3 năm, nhóm nghề liên quan đến công nghệ thông tin đều là nhóm nghề phổ biến nhất.

Livestream đã phổ biến ở Trung Quốc kể cả trước thời COVID-19. Thế nhưng, khi đại dịch ập đến khiến hàng triệu người phải thực hiện việc mua sắm tại nhà, thương mại điện tử qua livestream thực sự bùng nổ.

Các kênh livestream trên các mạng xã hội phổ biến như Douyin (phiên bản Trung Quốc của TikTok) đã trở thành một cách để khách hàng có thể trải nghiệm sản phẩm trước khi mua sắm. Đến thời điểm tháng 10 năm ngoái, livestream là mục đích sử dụng Internet có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở Trung Quốc.

Thực tế rằng thương mại điện tử qua livestream chiếm chỉ 1% tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) của Kuaishou, đối thủ lớn nhất của Douyin tại Trung Quốc, đã trở thành một lợi điểm lớn của công ty khi thực hiện IPO vào năm nay. TMĐT qua livestream cũng chiếm 60% GMV của Taobao Live, một nền tảng thương mại điện tử của Alibaba.

Thực tế, các livestreamer có thể kiếm tiền bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có việc quảng cáo cho các sản phẩm hoặc nhận tiền "tip" từ người xem.

Dù vậy, nếu không có những điểm thực sự thu hút, tiền không đến dễ dàng cho các livestreamer. Phần lớn trong số 130 triệu tài khoản livestream tại Trung Quốc chỉ kiếm được từ 3.000 nhân dân tệ đến 5.000 nhân dân tệ mỗi tháng, theo một báo cáo từ Hiệp hội Biểu diễn Nghệ thuật Trung Quốc.

Hồi tháng 5 năm ngoái, Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc chính thức ghi nhận livestream là một nghề nghiệp mới và nằm trong hạng mục "chuyên gia marketing trên Internet". Tuy nhiên, hoạt động livestream cũng phải chịu sự kiểm soát ngày càng lớn từ chính phủ.

Tháng 4 năm nay, cơ quan quản lý Internet và 6 cơ quan chức năng khác tại Trung Quốc ban hàng bộ quy tắc livestream mới. Bộ quy tắc này cấm nhiều hành vi, trong đó có thể kể đến giả mạo số lượng người xem và tham gia vào hoạt động đánh bạc, gian lận. Các cơ quan chức năng cũng kêu gọi các nền tảng thiết lập danh sách đen để thực thi quy định.

Thái Sơn

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.