Singapore có thể dễ dàng thay nguồn cung gạo Thái bằng nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ
"Nhu cầu gạo của Singapore rất nhỏ so với tổng sản lượng gạo toàn cầu. Ví dụ, chúng tôi chỉ lần lượt chiếm 1,2%, 1,2% và 0,6% tổng xuất khẩu gạo của Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ trong năm 2018", đại diện của MTI trả lời phỏng vấn từ CNA.
Trong những năm qua, Singapore đã cân nhắc kĩ lưỡng chiến lược đa dạng hóa.
Ngoài Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ, Singapore cũng nhập khẩu gạo từ Myanmar, Campuchia, Nhật Bản và Mỹ.
Một số quốc gia nguồn này, chẳng hạn như Mỹ, ít bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt trong nước và sẽ làm giảm bất kì sự thiếu hụt nào từ các quốc gia nguồn khác, đại diện MTI nói thêm.
Theo MTI, Chương trình dự trữ gạo (RSS) đảm bảo cung cấp đủ gạo trên thị trường trong thời gian gián đoạn nguồn cung, và tất cả gạo trắng, gạo basmati, gạo ponni và gạo đồ được phân loại là gạo dự trữ.
"Các nhà nhập khẩu được yêu cầu phải lưu trữ lượng hàng tương đương khối lượng của hai tháng nhập khẩu trong kho của chính phủ", người đại diện MTI cho biết.
Trong khi đó, một đại diện của NTUC Fairprice cho hay các yếu tố kinh tế xã hội và điều kiện thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng đến nguồn cung và giá gạo từ Thái Lan trong năm qua.
Người phát ngôn cho biết Fairprice đã giới hạn đà tăng của giá gạo trong năm qua ở khoảng 5% mức trung bình, đối với tất cả loại gạo có nguồn gốc Thái Lan.
NTUC Fairprice cũng nhập khẩu gạo từ Việt Nam, Ấn Độ, Australia, Mỹ, Pakistan, Nhật Bản và Campuchia, người đại diện nói.
Cho đến thời điểm hiện tại, người tiêu dùng Singapore vẫn có thể đối phó với một số sự tăng về giá vì thu nhập hộ gia đình tương đối cao hơn so với hầu hết quốc gia khác, theo Giáo sư Paul Teng, trợ lí cao cấp về an ninh lương thực tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang .
Tuy nhiên, mối đe dọa lớn đối với an ninh lương thực của Singapore xuất hiện khi các nước nhập khẩu lớn như Trung Quốc và Indonesia cũng bị thiếu hụt sản xuất lương thực (gạo), ông nói thêm.
"Họ sẽ xuất hiện trên thị trường để nhập khẩu số lượng lớn gạo và chiếm gần như toàn bộ hàng có sẵn trên thị trường", ông Teng nói.
Chỉ một lượng nhỏ gạo, tương đương 7 - 10% tổng sản lượng toàn cầu, được giao dịch, do đó, bất kì hiện tượng tự nhiên hoặc nhân tạo nào làm giảm sản xuất gạo ở các nước xuất khẩu gạo chính như Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan đều có tác động, Giáo sư Teng nói thêm.
Các nước nhập khẩu như Singapore, Philippines và Indonesia đều sẽ cạnh tranh để số gạo bị giảm sản lượng.
Vấn đề sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu vụ lúa ở các nước nhập khẩu lớn như Indonesia và Philippines cũng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và sản xuất ở những nước đó cũng bị giảm, ông nhận định.
An ninh lương thực dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu
Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) lưu ý an ninh lương thực nội địa dễ bị ảnh hưởng bởi các động lực và xu hướng toàn cầu, như tăng dân số, đô thị hóa và thu nhập tăng, dịch bệnh, khan hiếm tài nguyên và biến đổi khí hậu.
"Singapore nhập khẩu hơn 90% thực phẩm. Chúng tôi đang phải đối mặt với biến động giá và nguồn cung toàn cầu cũng như các mối đe dọa về sự gián đoạn nguồn cung thực phẩm và ô nhiễm thực phẩm trên toàn thế giới", đại diện của SFA cho biết.
Sự dễ bị tổn thương này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian; vì năng suất cây trồng và thủy sản toàn cầu ước tính sẽ giảm theo điều kiện khí hậu thay đổi.
Dẫn chứng thời điểm tháng 1/2018 khi sản xuất rau lá của Malaysia bị ảnh hưởng bởi gió mùa, người phát ngôn cho biết nguồn cung rau của Singapore từ Malaysia giảm khoảng 20% so với cùng kì năm trước đó.
Theo SFA, Malaysia cung cấp khoảng 70% tổng lượng rau nhập khẩu của Singapore trong năm 2017.
Tuy nhiên, đại diện của SFA cho biết không có tác động đáng kể đến Singapore vì các nhà nhập khẩu có các nguồn thay thế như Thái Lan và Trung Quốc, các quốc gia không bị ảnh hưởng bởi gió mùa để đáp ứng nhu cầu địa phương và ổn định nguồn cung.