Siết môi giới bất động sản cá nhân: Người trong cuộc nói gì?
Môi giới không chuyên góp phần gây "sốt đất ảo"
Tại dự thảo hồ sơ đề nghị sửa Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng cho biết, tính từ năm 2008 đến nay có khoảng 32.912 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới và khoảng 80% BĐS giao dịch thành công thông qua môi giới.
"Có thể nói, lực lượng môi giới đông đảo với chất lượng chuyên môn tốt, được đào tạo bài bản đã góp phần không nhỏ trong việc giải phóng một lượng lớn bất động sản tồn kho trong giai đoạn 2014 - 2019, giúp thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.
Điều này được thể hiện qua lượng giao dịch tính đến thời điểm này 282.139 giao dịch thành công, trong đó Hà Nội có 79.501 giao dịch thành công, TP HCM có 85.074 giao dịch thành công", Bộ Xây dựng cho biết.
Tuy nhiên, theo Bộ này, hiện các chính sách về kinh doanh môi giới BĐS vẫn có nhiều bất cập. Cụ thể, điều kiện để các tổ chức, cá nhân được kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, được thi sát hạch về trình độ hiểu biết pháp luật, kỹ năng hoạt động môi giới BĐS quá dễ dàng, không quy định buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được dự thi lấy chứng chỉ môi giới.
Chính việc đó dẫn đến tình trạng hiện nay đội ngũ làm môi giới BĐS yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh, làm ăn "chụp giật".
"Họ không chịu trách nhiệm, gây thiệt hại cho khách hàng khi tư vấn không đúng, tư vấn cho xong để kiếm tiền, thậm chí còn làm lũng đoạn thị trường, góp phần gây ra những cơn sốt ảo để kiếm lợi", Bộ Xây dựng chỉ ra bất cập.
Bên cạnh đó, theo Bộ này, pháp luật hiện hành chưa bắt buộc các cá nhân môi giới có trách nhiệm phải báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước về các hoạt động của họ.
Do đó, môi giới BĐS hoàn toàn có thể tự do hành nghề ở bất kỳ đâu, có xu hướng ăn theo các sàn giao dịch BĐS để lấy thông tin, làm cộng tác viên hoặc tự đi khai thác nguồn thông tin sản phẩm có nhu cầu bán, chủ yếu là nhà, đất ở có sẵn để môi giới cho khách hàng có nhu cầu mua.
Mục tiêu của họ chỉ là làm cách nào để bán được sản phẩm nhanh và hiệu quả nhất và thường không có trách nhiệm với khách hàng, người tiêu dùng đối với các sản phẩm họ đã môi giới.
Cũng theo Bộ Xây dựng, quy định về chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề môi giới khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề còn quá nhẹ so với hậu quả khi xảy ra sai phạm (phạt tiền 10 - 50 triệu). Mức xử phạt này mới chỉ dừng lại ở mức độ răn đe dẫn đến việc người môi giới không coi trọng chứng chỉ môi giới.
Cần phải siết chặt
Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng đề xuất giải pháp sửa đổi, bổ sung pháp luật kinh doanh BĐS theo phương án các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới đều phải thành lập doanh nghiệp, văn phòng môi giới. Họ phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, cá nhân không được hoạt động môi giới độc lập.
Bộ Xây dựng đánh giá, việc sửa đổi, bổ sung như trên sẽ tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, tính minh bạch cao, đồng thời phát huy được hết vai trò, chức năng của đội ngũ môi giới, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của các cá nhân môi giới.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát tốt được thị trường, khắc phục được hiện tượng "sốt ảo", "bóng bóng" BĐS do các môi giới gây ra. Tránh thất thu thuế cho nhà nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.
Trao đổi với người viết, chị Hanh, một môi giới BĐS đã có chứng chỉ hành nghề cho biết, cá nhân chị đồng tình với phương án của Bộ Xây dựng nêu ra.
"Trong thời gian làm việc, tôi đã gặp nhiều môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề, tư vấn không đúng để bán nhà đất, làm xấu hình ảnh các cá nhân môi giới chuyên nghiệp khác. Một số người còn tư vấn không đúng. Họ hay vẽ quy hoạch chỗ này sẽ có cái cầu mới, đường mới, gần dự án BĐS của các tập đoàn lớn để khách hàng xuống tiền mua đất nhanh, mau chóng lấy tiền hoa hồng. Nhiều người tôi còn thấy họ không tôn trọng khách hàng,...", chị chia sẻ.
Đến nay đã gần hai năm, anh Thành (quê Đà Nẵng) nghĩ lại vẫn còn bàng hoàng vì bị môi giới dọa nạt, chửi bới khi đã từ chối mua đất. Theo lời anh Thành, môi giới đã nói dối là có quy hoạch làm đường vào tận miếng đất giới thiệu cho anh. Bên cạnh đó, họ còn nói dối về diện tích, việc tranh chấp đất đang diễn ra với nhà bên cạnh.
"Ngay khi tôi kiểm tra biết thông tin không đúng, truy vấn lại và từ chối mua thì bị chửi bới, nhục mạ. Họ còn đăng thông tin cá nhân tôi lên mạng, bảo đừng ai tư vấn, bán đất cho tôi", anh Thành kể và đề nghị cần hoàn thiện hơn về pháp luật, xử lý cá nhân môi giới làm nghề không có đạo đức.
Ông Phan Việt Hoàng, Tổng thư ký Hội môi giới BĐS Khánh Hòa cho biết, trước đây theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 và Khoản 2 Điều 28 Luật kinh doanh BĐS cũ năm 2006, việc mua bán nhà, thuê nhà, công trình xây dựng phải thực hiện thông qua sàn giao dịch BĐS.
Kể từ thời điểm ngày 1/7/2015 Luật kinh doanh BĐS 2014 bắt đầu có hiệu lực thay thế cho Luật kinh doanh BĐS cũ năm 2006 thì đã bỏ các quy định nêu trên. Từ đó hình thành trào lưu nhà nhà làm môi giới, người người làm môi giới dẫn đến nhiều bất cập như hiện nay.
Theo Tổng thư ký Hội môi giới BĐS Khánh Hòa, ngành nghề môi giới BĐS bản chất vốn là nghề tư vấn - dịch vụ mà lĩnh vực này rất rộng và chịu quản lý của rất nhiều quy định pháp luật riêng đối với từng sản phẩm đặc thù.
"Hiện nay, các sản phẩm BĐS sẽ chịu sự quản lý của Luật kinh doanh BĐS, nhưng hiện nay trong khi các tổ tổ chức, doanh nghiệp BĐS phải tuân thủ nhiều quy định pháp luật và chế tài đi cùng. Trong khi đó, các cá nhân hoạt động BĐS gần như là vô thưởng, vô phạt có khi thiếu trách nhiệm dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng, làm thị trường BĐS méo mó khiến cho xã hội kỳ thị gọi là cò đất. Tôi cho rằng, việc chấn chỉnh tình trạng hoạt động kinh doanh BĐS đối với cá nhân là rất cần thiết", ông Hoàng nói.
Theo thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), trên thị trường hiện nay có hơn 300.000 môi giới BĐS, trong đó chỉ có khoảng 70% môi giới hoạt động chính quy.