'Shark' Việt nêu lí do chúng ta nên kinh doanh với người có tính cách trái ngược, biết phản biện và nhẫn nhịn
Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Intracom nói rằng khi làm kinh doanh, mọi người nên đồng hành với những cá nhân có tính cách khác chúng ta để tăng khả năng thành công. Theo ông, nếu nhóm lãnh đạo một doanh nghiệp có tính cách giống nhau, họ sẽ có nỗi sợ giống nhau. Khi đối mặt với một thử thách, nếu một người trong nhóm lãnh đạo sợ, các thành viên còn lại trong nhóm cũng sẽ sợ, khiến doanh nghiệp không thể vượt qua trở ngại.
Ưu tiên người có thể phản biện, nhường nhịn
Tiêu chí đầu tiên mà ông Việt quan tâm không phải là "người nhà hay người ngoài", mà phải là người tư duy "có góc cạnh", có thể phản biện ý kiến của doanh nhân.
"Điều quan trọng nhất là bạn hiểu con người ấy đến mức nào thì sử dụng họ đến mức ấy. Chúng ta nên tìm những người ưu tiên việc chung hơn việc riêng. Chủ doanh nghiệp nên áp dụng qui tắc ấy khi tuyển nhân viên, cộng sự, đối tác", ông Việt lập luận.
Chiến lược tìm đối tác, cộng sự, theo ông Việt, là chấp nhận những người có cả ưu điểm lẫn nhược điểm. Chủ doanh nghiệp nên chọn người sở hữu những ưu điểm có lợi cho công ty, và có những nhược điểm mà chúng ta có thể bù đắp cho họ.
Ông Việt nhấn mạnh rằng, một điểm cũng rất quan trọng nữa khi chọn đối tác, cộng sự là chủ doanh nghiệp nên chọn những cá nhân có thể nhường nhịn chúng ta và chúng ta cũng có thể nhường nhịn họ.
"Nhiều doanh nghiệp tan vỡ vì nhóm sáng lập cư xử với nhau theo kiểu 'cho nhau cân gạo, nhưng lại đánh nhau khi chia cơm', nghĩa là không thể nhịn nhau", ông Việt lấy ví dụ.
'Shark' Việt thích người không tham
Người sáng lập Intracom từng thú nhận ông không thích tham gia Shark Tank Việt Nam, không muốn trình bày quan điểm của vì ông cảm thấy ông chưa có thành tựu lớn để kể.
"Song một người phụ nữ thông minh và khéo léo đã thuyết phục tôi. Chị ấy nói các startup bây giờ thiếu lửa, thiếu nhiệt huyết", ông tâm sự.
Bên cạnh đó, nhiều người băn khoăn vì ông Việt nói mục tiêu kinh doanh của ông không phải kiếm được nhiều tiền, mà lại là để giúp được nhiều người. Ông luôn nhấn mạnh ông làm kinh tế không quá chú trọng vào kiếm tiền, chứ không phải ông không biết kiếm tiền. Ông chú trọng làm việc nhân văn hơn để có nhiều bạn bè hơn.
"Nếu mục tiêu chỉ là tiền, bạn sẽ sẽ thất bại. Tiền là quan trọng nhưng không phải là tất cả của người làm kinh doanh", ông khẳng định.
Bên cạnh đó, ông nói rất nhiều về cái tâm của một con người, nhấn mạnh đó là điều quan trọng nhất: “Ý tưởng gì thì ý tưởng, công nghệ gì thì công nghệ. Quan trọng nhất là con người.Tôi không thích người tham, những người này không phù hợp với tôi".
Ông cho rằng để hiểu một con người, cần phải để ý họ đeo giày, xỏ tất, quét nhà. Con người muốn làm được những việc lớn phải xem từ cách họ làm một việc nhỏ.