|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sếp Saigon Co.op: Có những việc 5 năm trước không thể làm được, nay 3 tháng dịch phải chạy theo hướng đó

07:01 | 07/10/2021
Chia sẻ
Lãnh đạo Saigon Co.op tin rằng khái niệm về "Chiến lược – kế hoạch" sẽ khác với trước đây, được điều chỉnh rút ngắn lại, các quyết định phải được đưa ra một cách tức thì để đáp ứng các chiến lược đó.

Trong buổi đối thoại Open Talks #2 được tổ chức bởi Vietnam CEO Forum và Hội doanh nhân trẻ TP HCM với chủ đề "Đâu là trận cuối?", ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op khẳng định "Trận nào cũng là trận cuối" khi đề cập đến trận chiến chống lại dịch COVID-19 và chủ đề của buổi đối thoại.

"Bản thân mình sống, hãy coi ngày nào còn sống cũng là ngày cuối cùng. Với tôi, trận nào cũng là trận cuối. Tuy nhiên, trận đánh này chưa phải trận chấm dứt. Trận cuối này vẫn còn dài, rộng, liên lụy tới nhiều ngành nghề. Thậm chí, giai đoạn sau trận cuối vẫn ẩn chứa những hệ lụy mà chúng ta chưa lường trước được", ông Đức chia sẻ.

Dựa trên tình hình thực tế, ông Đức dự báo ngành Risk Management (Quản trị rủi ro) sẽ là ngành học phát triển sau đại dịch COVID-19. Trong thời gian tới, với Saigon Co.op nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung, phải tận dụng thời gian để tìm ra những giải pháp mới, nhưng cần tránh ôm tất cả giải pháp, công cụ một cách lãng phí.

Tổng Giám đốc Saigon Co.op dự báo quản trị rủi ro là ngành 'hot' sao đại dịch, tin doanh nhân khi lên thương trường đều xác định 'trận nào cũng là trận cuối' - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc Saigon Co.op tin trận nào cũng là trận cuối. (Ảnh: Thanh niên).

Thay đổi tích cực trong trải nghiệm mua sắm

"Có những việc mà trong 3 – 5 năm trước, doanh nghiệp chúng tôi không thể làm được, nhưng chỉ trong ba tháng đại dịch, tất cả phải chạy theo hướng đó. Đấy là những tác động tích cực mà dịch bệnh vô tình đem lại cho doanh nghiệp. Chúng ta phải trân trọng, chắt chiu và chọn lọc các cơ hội", Tổng Giám đốc Saigon Co.op nhận xét.

Cũng tại chương trình, ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) nói rằng thói quen người tiêu dùng đã thay đổi trong mùa dịch. Giờ đây, số lượng người mua sắm online đã tăng lên đáng kể, cách lựa chọn nhà cung cấp cũng thay đổi.

Đồng quan điểm với ông Thông, CEO Saigon Co.op cho biết sẽ có những sự khác biệt, và tất cả sẽ có những trải nghiệm mới, khác với những thứ chúng ta từng biết trước đây. "Nếu coi Saigon Co.op là doanh nghiệp trung tâm, sự khác biệt này gồm ba khía cạnh: Chính sách vĩ mô, khách hàng, đối tác", ông Đức nói.

Trong tương lai, lãnh đạo Saigon Co.op tin rằng khái niệm về "Chiến lược – kế hoạch" sẽ khác với trước đây, được điều chỉnh rút ngắn lại, làm cho quan điểm về thời gian nhanh hơn, các quyết định phải được đưa ra một cách tức thì để đáp ứng các chiến lược đó.

"Một doanh nhân khi đã ra trận thì cần xác nhận trận nào cũng là trận cuối để thể hiện tinh thần quyết chiến quyết thắng ở mọi khía cạnh. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn rộng ra để nhìn thấy rủi ro tiềm tàng.

Nhiều doanh nghiệp đã bỏ trận và ưu thế của ngành bán lẻ nội

Trong 9 tháng vừa qua, lần đầu tiên chỉ số CPI cao hơn GDP. Trong khi đó, lần đầu tiên chỉ số CPI với ngành tiêu dùng và dịch vụ, du lịch âm tới tới gần 30%", ông Đức chỉ ra thực trạng các doanh nghiệp, đồng thời khẳng định các doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí còn gặp nhiều khó khăn hơn trong những trận đánh lớn.

"Có những doanh nghiệp không phát sinh doanh số trong 6 tháng, có nghĩa đang nằm thoi thóp, chờ chết. Những doanh nghiệp này có sức đề kháng thấp hơn các doanh nghiệp lớn…

Để vượt qua giai đoạn này, không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà ngay cả những doanh nghiệp lớn như chúng tôi cũng phải thực hiện đánh giá lại doanh nghiệp", Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết.

Tổng Giám đốc Saigon Co.op dự báo quản trị rủi ro là ngành 'hot' sao đại dịch, tin doanh nhân khi lên thương trường đều xác định 'trận nào cũng là trận cuối' - Ảnh 2.

Ông Đức tin rằng các doanh nghiệp nhỏ còn khó khăn hơn Saigon Co.op trong thời gian đại dịch. (Ảnh: Báo Công thương).

Ngoài ra, ông Đức cũng đưa ra lời khuyên với các Founder đã và đang có ý định startup trong thời gian này, cần phải chọn lọc, thực hiện "body scan" doanh nghiệp để đưa ra những quyết định hợp lý. "Cái khó ló cái khôn. Vì vậy, đừng lãng phí những cái khôn ló ra trong thời kỳ khó khăn", ông Đức khẳng định.

Thời gian qua, ông Đức cho biết có nhiều đơn vị đã "bỏ trận". Thực tế trên thế giới chỉ ra rằng sau mỗi giai đoạn khủng hoảng, các doanh nghiệp bán lẻ nội địa thường có ưu thế hơn các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Ngoài ra, cấu trúc hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp bán lẻ cũng thay đổi, từ hình thức offline sang online. Đặc biệt, các doanh nghiệp bán lẻ dự kiến sẽ vẫn đi theo xu hướng điện toán hóa – số hóa.

"Trong giai đoạn hiện nay, các đơn vị đồng hành phải có những hành động nhanh, nhưng phải duy trì sự tỉnh táo trong tâm thế. Điều này rất khó, nhưng chúng ta phải thực hiện trong giai đoạn sắp tới", Tổng Giám đốc Saigon Co.op kết luận.

Quốc Anh

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.