|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

VietGAP là gì? Và gian nan con đường đưa nông sản Việt vào chuỗi siêu thị

11:38 | 21/09/2022
Chia sẻ
Thực phẩm sạch vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của đại bộ phận người tiêu dùng tại Việt Nam. Người ta sẵn sàng trả giá cao hơn để mua sự yên tâm và an toàn.

Mới đây tờ Tuổi Trẻ đã có loạt phóng sự về hô biến thực phẩm mua tại chợ đầu mối thành thực phẩm có chứng nhận VietGAP và được bày bán trong quầy kệ của một số chuỗi siêu thị lớn. Loạt bài ngay lập tức nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng Việt. Bởi lẽ, từ lâu nay, thực phẩm bẩn vẫn luôn là vấn nạn nhức nhối và người ta sẵn sàng trả một cái giá cao hơn để được dùng thực phẩm sạch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Vậy VietGAP là gì? Tại sao tiêu chuẩn này lại dành được sự tin tưởng của người mua hàng đến vậy?

 

Theo IQC - tổ chức chứng nhận độc lập tại Việt Nam, VietGAP là cụm từ viết tắt của: Vietnamese Good Agricultural Practices có nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi.

VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ  tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất.

 Ảnh minh hoạ tiêu chuẩn VietGAP. (Nguồn: Viện Kiểm nghiệm và Kiểm định chất lượng VNTEST).

Đạt chứng nhận VietGAP dễ hay khó?

VietGAP được Bộ Khoa học công nghệ ban hành ngày 17/10/2017 và trở thành tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm của nông sản Việt. Do vậy, để được cấp giấy chứng nhận VietGAP, cơ sở sản xuất cần phải đáp ứng những tiêu chí sau:

Kỹ thuật sản xuất: Áp dụng các kỹ thuật sản xuất đạt yêu cầu trong tiêu chuẩn VietGAP

An toàn thực phẩm: Sử dụng các biện pháp để đảm bảo thực phẩm không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch. Đảm bảo được đầu ra của sản phẩm là nông sản sạch

Môi trường làm việc: Hạn chế việc lạm dụng sức lao động của nông dân

Các tiêu chí sẽ áp dụng khác nhau. Tùy thuộc vào mô hình đó là trồng trọt, chăn nuôi, hay thủy sản. Thời gian đăng ký cấp chứng nhận VietGAP phải trùng với thời gian thu hoạch. 

Đồng thời, cơ sở sản xuất phải trải qua quy trình gồm 4 giai đoạn từ khảo sát điều tra, đào tạo tập huấn, đánh giá nội bộ tới đánh giá để cấp chứng nhận. Giấy chứng nhận VietGAP chỉ có thời hạn hai năm kể từ ngày cấp.

Hiện nay, tổ chức chứng nhận có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/9/2012 sẽ được Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi hoặc Tổng cục Thủy sản chỉ định trở thành tổ chức có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm cây trồng, vật nuôi hoặc thủy sản.

Nông sản Việt khó vào siêu thị vì chiết khấu cao

 Nông sản Việt trong một siêu thị tại Hà Nội. (Ảnh: Thiên Trường).

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để hàng Việt Nam xuất hiện trên các kệ hàng siêu thị là cả một chặng đường khó khăn phía sau. Đó là, thủ tục tục phức tạp, chiết khấu cao. Hiện nay, để hàng Việt Nam vào được siêu thị thì phải có những tiêu chuẩn cao như chứng nhận VietGap, các chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm…

Về chiết khấu, thay vì mức 13 - 15% như trước đây, hiện nay các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải chịu mức chiết khấu từ 20 - 30% cho mặt hàng để mặt hàng được xuất hiện tại siêu thị.

Báo cáo của BVSC dẫn lời ông Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cũng chỉ ra tỷ lệ nông sản sạch vào các hệ thống thương mại hiện đại chỉ chiếm từ 7-10%. Trong đó, rào cản lớn nhất với mặt hàng này là chính sách chiết khấu còn quá cao.

Một số siêu thị lớn, có thế mạnh về đàm phán, đưa ra mức chiết khấu lên tới 20-30%, chưa kể những chi phí không chính thức khác, o ép nhà cung ứng, trong khi nhà cung ứng không dám lên tiếng. Có tình trạng 10 nhà cung ứng gửi rau vào siêu thị nhưng chỉ một, hai đơn vị chấp nhận mức khấu mà phía siêu thị đưa ra.

Còn theo VCCI, chiết khấu chỉ là chi phí cơ bản được bên siêu thị đề xuất sẵn ở trong bản hợp đồng, chưa kể đến các chi phí đặc thù khác như chi phí đầu kệ, chi phí cho các chương trình khuyến mãi, chi phí quảng cáo...

VCCI nhận định rằng điều này là quá sức với các cơ sở sản xuất, vì lợi nhuận của họ cũng không thể hơn 20 - 30%. Như vậy, xét trên các loại chi phí, việc đưa sản phẩm vào siêu thị chỉ có thể là lỗ.

Thủ tục phức tạp triệt tiêu sản xuất chân chính

 Doanh nghiệp địa phương khó đưa sản phẩm vào siêu thị vì thủ tục phức tạp. (Ảnh minh hoạ: Thiên Trường).

Thủ tục phức tạp cũng là rào cản ngăn nông sản sạch đến tay người tiêu dùng qua kênh siêu thị. Báo cáo của BVSC dẫn câu chuyện của ông Nguyễn Văn Quân, HTX (hợp tác xã) Thương mại dịch vụ sản xuất nghệ Đại Hưng, cho hay sản phẩm nghệ sấy khô - tinh bột nghệ của HTX này vẫn đang tìm cách vào các kênh phân phối hiện đại.

Hiện nay, HTX Đại Hưng về cơ bản đã đáp ứng được đầy đủ các giấy tờ kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm, đóng gói bao bì, mẫu mã, sản phẩm có dán tem mã truy xuất nguồn gốc. Có thể nói là “hành trang” để vào kênh phân phối hiện đại đã chuẩn bị sẵn sàng. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà HTX gặp phải là làm thế nào để kết nối với các siêu thị, cửa hàng bán lẻ.

"Làm sao để chúng tôi có thể gặp, đàm phán ký kết hợp đồng với các siêu thị, cửa hàng tiện ích, làm sao để họ tin tưởng nhập hàng của chúng tôi?", ông Quân băn khoăn.

Liên quan đến những băn khoăn này, bà Phạm Thị Thùy Linh, Giám đốc thu mua miền Bắc Siêu thị Big C, cho biết: Đây là những khó khăn chung mà nhiều HTX đang gặp phải. Việc đưa hàng vào siêu thị phải trải qua nhiều quy trình, trong đó khâu hoàn thiện hồ sơ ban đầu có vai trò quyết định, nhiều HTX không chuẩn bị hồ sơ kỹ càng đã bị loại ngay từ vòng này.

Theo bà Linh, có HTX dù đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, thủ tục nhưng 3 - 4 năm vẫn không đưa được hàng vào được Big C vì không đáp ứng được thủ tục mà phía siêu thị đưa ra. Dù có đầy đủ chứng nhận xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm nhưng các HTX cần đảm bảo thực hiện đúng quy trình. Có HTX nộp hồ sơ, trong đó có chứng nhận VietGAP cho cam, bưởi nhưng sản phẩm chào bán lại là chanh thì không được chấp nhận.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cũng thừa nhận các doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam gặp khó khăn khi tham gia vào chuỗi phân phối của các siêu thị nói chung và siêu thị nước ngoài nói riêng. 

Những rào cản trên là tin xấu đối với hàng Việt Nam nhưng lại là tin mừng đối với các đối thủ nước ngoài đang bán sản phẩm trong một siêu thị. Bên cạnh đó, khó khăn này còn triệt tiêu sản xuất chân chính.

"Nông nghiệp công nghệ cao là phục vụ cho người tiêu dùng trong nước nhưng thử hỏi bao nhiêu người tiêu dùng trong nước tiếp cận được với rau sạch? Độc quyền trong bán lẻ là có, họ đang ép cả nhà cung ứng và người tiêu dùng", ông Phú nhấn mạnh. 

Thiên Trường