Nhiều người đổ xô mua thực phẩm, bếp gas vì sợ lụt
Tại siêu thị, quầy bếp cồn đã hết hàng, quầy bếp gas mini còn một, hai chiếc. "Tôi tìm mua để đề phòng ngập nặng, mất điện có thể nấu cháo cho con nhỏ'', Trang nói.
Nhân viên siêu thị cho biết mặt hàng bếp cồn đã hết từ sáng. Các sản phẩm cồn khô, cồn dạng thạch cũng được tiêu thụ với số lượng lớn, khách thường là phụ nữ có con nhỏ, người nội trợ.
Thấy nhiều bạn tìm mua bếp gas mini, tối 10/9, Huyền Thanh ở phường Xuân La, quận Tây Hồ cũng đặt một một chiếc giá 270.000 đồng cùng ba bình gas nhỏ. "Phòng còn hơn chống, cứ mua cho an tâm", Huyền cho biết.
Theo Phạm Minh, chủ một cửa hàng gia dụng ở phường Xuân La, số người mua bếp gas mini hôm nay tăng vọt. "Hơn 21h mà tôi vẫn đi ship hàng", chị Minh nói.
Ông Lê Quang Vũ, Tổng giám đốc chuỗi siêu thị Media Mart, cho biết nhu cầu mua bếp cồn, bếp gas mini đã xuất hiện từ ngày 6/9, khi bão Yagi sắp đổ bộ. Các mặt hàng như sạc dự phòng, quạt tích điện cũng được mua nhiều.
"Mấy ngày qua, doanh số các mặt hàng này tăng hàng chục lần bởi người dân mua dự phòng mất điện", ông Vũ nói.
Không chỉ bếp gas mini, bếp cồn mà nhu yếu phẩm như thịt, cá, rau củ cũng cháy hàng tại các chợ, siêu thị ở khu vực Cầu Giấy, Ba Đình, Thanh Xuân... từ trưa 10/9.
Ngọc Trâm, 25 tuổi, ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, nói "không thể mua được miếng thịt lợn nào, dù là phần mỡ thừa" khi ra chợ lúc 11h trưa. Sạp thịt gà còn khoảng hai con đã làm sẵn, nhưng có 5-6 khách đang đứng chờ.
Chiều cô đến siêu thị, tình trạng "mua như tranh cướp" cũng diễn ra. "Trong lúc tôi băn khoăn nên mua khay thịt ba chỉ hay sườn, mọi người đã nhặt hết", Trâm nói.
Nhưng không phải ai cũng có tâm lý lo lắng quá mức. Nhà ở gần siêu thị nhưng chị Nguyễn Thị Hằng, 37 tuổi, ở Nam Từ Liêm, chỉ mua một ít đồ khô để không phải đi chợ khi mưa nặng hạt.
Chị nhận thấy vào ngày bão Yagi ảnh hưởng nghiêm trọng đến Hà Nội, nhiều quận nội thành không mất điện. Các huyện ngoại thành chỉ bị cắt trong thời gian ngắn. ''Hoang mang, ồ ạt kéo đi mua chỉ làm người khác lo theo vô ích'', chị nói.
PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng ủng hộ quan điểm này. Chuyên gia cho rằng bão Yagi đã chứng minh các đơn vị cung ứng của Hà Nội đã làm rất tốt để đảm bảo cuộc sống của nhân dân. ''Trước và sau bão siêu thị, chợ vẫn mở cửa, hàng hóa rất dồi dào'', bà An nói.
Theo bà, khi xảy ra ngập lụt chắc chắn ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt, nhưng người dân không nên hoang mang, đổ xô tích trữ, làm ảnh hưởng đến nhịp sống. ''Hãy chuẩn bị thật kỹ những thứ cần thiết, nhưng với tâm thế bình thường, không nên lo lắng''. bà nói.
Theo quy định, có ba cấp báo động lũ. Báo động cấp một là bắt đầu có lũ nhưng còn ở giới hạn trong lòng sông - tương đương cấp lũ nhỏ. Báo động cấp hai lũ trong sông đã lên đến mức trung bình, nước lũ bắt đầu gây ảnh hưởng ngập lụt và tác động xấu đến dân sinh, kinh tế, xã hội. Báo động cấp ba là mức giới hạn mực nước cho biết lũ trong sông đã lên cao, gây ảnh hưởng ngập lụt nghiêm trọng và có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và tài sản.
Ông Lê Quang Vũ cho biết, dù sức mua tăng nhưng người dân không nên lo lắng hay có tâm lý sợ cháy hàng bởi nguồn cung rất nhiều và không tăng giá.
Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI), ông Nguyễn Anh Tuấn, cho rằng người dân không nên lo lắng về tình trạng mất điện. ''Chúng tôi sẵn sàng trực 100% quân số xử lý các sự cố để cung cấp điện nhanh nhất, đảm bảo cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, văn hóa, chính trị và sinh hoạt của nhân dân'', ông Anh Tuấn khẳng định.