|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sếp Grab tiết lộ cơ hội 'cả đời người chỉ có một lần' tại Đông Nam Á

08:11 | 27/11/2021
Chia sẻ
Với Grab, dịch vụ tài chính số sẽ là chìa khoá thúc đẩy tăng trưởng tiếp theo tại Đông Nam Á.

Grab, startup "kỳ lân" Singapore, đang quyết tâm tái định hình thị trường tài chính chưa được phục vụ một cách đầy đủ của Đông Nam Á. Người đứng đầu mảng tài chính của Grab khẳng định thị trường đang mang đến một cơ hội "chỉ có một lần trong đời" để thúc đẩy tài chính toàn diện trong khu vực.

Trong hội thảo trực tuyến về tương lai tài chính do Nikkei tổ chức hôm 25/11, ông Reuben Lai, giám đốc điều hành cao cấp của Grab Financial Group, cho biết Grab đã "sẵn sàng thúc đẩy toàn diện tài chính tại Đông Nam Á" thông qua các dịch vụ số của mình và để tạo ra "sức mạnh kinh tế cho hàng triệu người Đông Nam Á".

Grab tiết lộ cơ hội 'cả đời người chỉ có một lần' tại Đông Nam Á - Ảnh 1.

Ông Reuben Lai, giám đốc điều hành cao cấp của Grab Financial Group, tại sự kiện trực tuyến của Nikkei. (Ảnh: Nikkei).

Tài chính là mảng kinh doanh cốt lõi của Grab

Tài chính là một trong những mảng kinh doanh lõi của Grab cùng mảng gọi xe và giao đồ ăn. Đây cũng là mảng kinh doanh được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng của Grab sau khi startup này chính thức thực hiện niêm yết tại Mỹ.

Hiện tại, Grab đang cung cấp dịch vụ ví điện tử GrabPay, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ quản lý tài sản và một số dịch vụ tài chính khác. Grab nhắm đến đối tượng người lao động phổ thông trẻ, các đối tác tài xế của Grab và nhóm doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Ông Lai cho rằng nhóm người dùng này "có một lượng nhu cầu lớn chưa được đáp ứng".

Với tài chính toàn diện, hay khả năng các cá nhân và doanh nghiệp có thể tiếp cận với dịch vụ tài chính đáp ứng được nhu cầu của mình, ông Lai nhận định ngân hàng số sẽ là một trong những yếu tố thúc đẩy chính. 

Hiện tại, Grab đã có một giấy phép hoạt động ngân hàng số ở Singapore thông qua một liên doanh với Singapore Telecommunications (Singtel). Ngân hàng số của bộ đôi này được kỳ vọng sẽ chính thức đi vào hoạt động vào năm sau. Ông Lai tiết lộ hiện tại ngân hàng số của Grab và Singtel đã tuyển dụng 200 nhân sự.

Không nhìn nhận các ngân hàng truyền thống là đối thủ

Các ngân hàng truyền thống tại Đông Nam Á ví dụ như DBS Group Holdings (Singapore) cũng đang đầu tư mạnh vào các sản phẩm số. Dù vậy, ông Lai không nhìn nhận ngân hàng là đối thủ.

"Chúng tôi quan sát thấy đầu tư lớn từ các ngân hàng truyền thống để nâng cao trải nghiệm khách hàng trong cả khu vực. Điều này thật tuyệt vời cho khách hàng, dù vậy tập trung lớn nhất của chúng tôi là dành cho đối tượng chưa được phục vụ đầy đủ", ông chia sẻ.

"Với chúng tôi, đó là 6 trong số 10 người chưa được ngân hàng phục vụ đầy đủ, 9 trong số 10 người chưa có thể tín dụng tại Đông Nam Á. Đây là phân khúc mục tiêu của chúng tôi", ông tiết lộ thêm.

Grab cũng đã nộp hồ sơ xin giấy phép ngân hàng số ở Malaysia và cùng tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở mảng này tại các quốc gia còn lại trong khu vực.

"Chúng tôi tiếp tục tìm kiếm trên toàn Đông Nam Á cho những cơ hội thú vị để tái định hình mảng ngân hàng", ông nhấn mạnh. "Hành trình này rất tuyệt vời nhưng cũng rất dài hơi. Đối với tôi, đây là một vị trí thú vị và tất cả bạn đồng hành của tôi cũng có chung niềm hứng khởi", người đứng đầu mảng tài chính của Grab nói. Ông nhấn mạnh giờ là thời điểm "chỉ có một lần trong đời" để thúc đẩy toàn diện tài chính ở quy mô lớn trên toàn khu vực.

Được chống lưng từ các đối tác dày dạn kinh nghiệm

Ông Lai nói rằng Grab đã học được nhiều bài học trong mảng tài chính từ các đối tác hiện hữu như Credit Saison và Mitsubishi UFJ Financial Group, cũng như tập đoàn bảo hiểm ZhongAn. 

Ví dụ, thông qua hợp tác với Bank of Ayudhya (Thái Lan), một ngân hàng của MUFG, Grab đã học được cách phục vụ các nhà bán hàng tốt hơn thông qua cùng chấm điểm tín dụng.

Một nguồn tăng trưởng khác của Grab sẽ là dịch vụ "mua trước, trả sau", trong đó cho phép khách hàng mua hàng trước mà không cần trả lãi. Grab có thể nhận được phí hoa hồng từ các nhà bán hàng.

Grab ra mắt dịch vụ "mua trước, trả sau" từ cuối năm 2020 và nhắm đến đối tượng người dùng chưa có thẻ tín dụng. Trong một bài phỏng vấn trước đó, ông Chris Yei, giám đốc GrabPay và GrabRewards, nói với Nikkei rằng Grab đang vận hành dịch vụ này tại Singapore, Malaysia và sẽ sớm mở rộng sang các thị trường khác từ năm sau.

Kỳ vọng hái quả ngọt trong 5-10 năm nữa

Dù vậy, dịch vụ tài chính vẫn là mảng kinh doanh thua lỗ của Grab. Doanh thu của mảng kinh doanh này trong quý 3 năm nay đạt 14 triệu USD, trong khi EBITDA là âm 76 triệu USD. Điều này đủ để cho thấy Grab đang đổ nhiều tiền bạc để tăng quy mô mảng kinh doanh này.

Một số sản phẩm của Grab, ví dụ như quản lý tài sản vi mô, cho phép người dùng thực hiện đầu tiên với số tiền chỉ từ 1 SGD. Khi được hỏi rằng liệu các mô hình đầu tư nhỏ như vậy có bền vứng hay không, ông Lai nói rằng Grab có thể duy trì chi phí hoạt động ở mức rất thấp bằng cách áp dụng tự động hoá và sau đó dùng công nghệ để tăng quy mô kinh doanh đối với nhóm khách hàng mục tiêu.

"Một khi đã mở rộng được thị trường này, chúng tôi tin rằng cơ hội quy mô doanh thu là rất lớn, bên cạnh đó là cơ hội mang đến những điều tốt đẹp cho Đông Nam Á", ông khẳng định. "Chúng tôi đang nỗ lực và hy vọng rằng trong 5 đến 10 năm tiếp theo, chúng tôi sẽ thấy mảng dịch vụ tài chính và ngân hàng Đông Nam Á được tái định nghĩa và mượt mà hơn", ông chia sẻ thêm.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nam Khánh

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.