|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sẽ có vắc xin ngừa biến thể Omicron vào tháng 3 năm nay

21:43 | 10/01/2022
Chia sẻ
Đây là tin tức mới nhất được CEO Pfizer Albert Bourla chia sẻ với kênh truyền hình Mỹ CNBC.
Sẽ có vắc xin ngừa biến thể Omicron vào tháng 3 năm nay - Ảnh 1.

CEO Pfizer Albert Bourla. (Ảnh: CNBC).

Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla cho biết một loại vắc xin nhắm vào biến thể Omicron của COVID-19 sẽ sẵn sàng vào tháng 3/2022 và công ty đã bắt đầu sản xuất liều lượng này. "Vắc xin này sẽ sẵn sàng vào tháng 3", Bourla nói với Squawk Box của CNBC. "Chúng tôi đang bắt đầu sản xuất một số số lượng có hạn."

Ông Bourla cho biết vắc xin cũng sẽ hướng vào các biến thể khác đang được tìm thấy. Ông cho biết vẫn chưa rõ liệu có cần thiết phải sử dụng vắc xin Omicron hay không, nhưng Pfizer sẽ chuẩn bị sẵn một số liều vì có thể các chính phủ muốn nó càng sớm càng tốt.

Dữ liệu thực tế từ Vương quốc Anh đã chỉ ra rằng vắc xin của Pfizer và Moderna chỉ có hiệu quả khoảng 10% trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng có triệu chứng do Omicron 20 tuần sau liều thứ hai, theo nghiên cứu từ Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh. Tuy nhiên, hai liều ban đầu vẫn bảo vệ tốt khỏi bệnh nặng, nghiên cứu cho thấy.

Theo nghiên cứu, các mũi tiêm nhắc lại có hiệu quả lên đến 75% trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng có triệu chứng. Cố vấn y tế chính của Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết vào tháng 12 rằng không cần phải tiêm lần thứ ba để hướng vào Omicron vì các vắc xin hiện hữu vẫn hoạt động tốt khi chống lại biến thể.

Mới đây, trong cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 6/1, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra cảnh báo rằng: Sẽ là sai lầm nếu xem Omicron là biến thể nhẹ khi trên thực tế biến thể này đang làm gia tăng số ca nhập viện, tử vong trên toàn cầu, đe dọa đến hệ thống y tế trên toàn thế giới.

Người đứng đầu WHO nêu rõ: "Omicron dường như ít nghiêm trọng hơn so với Delta, đặc biệt ở những người đã được tiêm chủng, nhưng điều đó không có nghĩa biến thể này nên được phân loại là nhẹ".

Ông nhấn mạnh đến con số kỷ lục người nhiễm biến thể này cũng như việc Omicron trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại nhiều nước, thay thế biến thể Delta. Ông cho rằng diễn biến này đồng nghĩa với việc các bệnh viện sẽ phải tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhân COVID-19.

Ông Tedros ví sự lây lan của biến thể Omicron như "sóng thần" vừa nhanh và mạnh, có thể "nhấn chìm" hệ thống y tế trên thế giới.

Theo báo cáo mới nhất của WHO, trong tuần qua số ca mắc mới trên toàn cầu đã tăng 71% so với tuần trước đó và đây là mức tăng kỷ lục. Tuy nhiên, ông Tedros khẳng định đây chưa phải con số thực tế do còn nhiều xét nghiệm tồn đọng sau dịp lễ Giáng sinh và Năm mới, hay các xét nghiệm dương tính không được thống kê và những trường hợp bị bỏ sót do hệ thống giám sát quá tải.

Trong những phát biểu đầu tiên của Năm mới 2022, ông Tedros kêu gọi thế giới chia sẻ vắc xin công bằng hơn trong năm 2022 để chấm dứt "cái chết và sự hủy diệt" do COVID-19.

Người đứng đầu WHO từng đặt mục tiêu từng quốc gia có 10% dân số được tiêm chủng vào cuối tháng 9/2021 và 40% vào cuối tháng 12. Tuy nhiên, 92 trong số 194 quốc gia thành viên WHO đã bỏ lỡ mục tiêu, thậm chí 36 quốc gia trong số đó không đạt mục tiêu 10% đầu tiên với lý do phần lớn là không thể tiếp cận vắc xin.

Ông mong muốn 70% dân số ở mọi quốc gia được tiêm chủng vào giữa năm nay, song với tốc độ triển khai hiện nay, 109 quốc gia sẽ không đạt mục tiêu. Ông khẳng định sự bất bình đẳng vắc xin là yếu tố khiến nhiều người tử vong và làm suy yếu khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu.

Chí Dũng