|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ngoài Trung Quốc, Mỹ còn tranh chấp thương mại với nước nào?

15:34 | 11/05/2019
Chia sẻ
Bất đồng với EU 15 năm vì cáo buộc trợ cấp cho hai hãng máy bay hàng đầu, siết lệnh trừng phạt lên dầu mỏ Iran, thất bại trong đàm phán với Triều Tiên, có lẽ là những vấn đề mà chính quyền Trump phải đối mặt trong tương lai.

Ngoài Trung Quốc, Mỹ còn tranh chấp thương mại với nước nào? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AFP)

Đàm phán Mỹ - Trung thất bại, thuế quan chính thức được áp dụng

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ vào ngày 22/3/2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 50 tỉ USD lên hàng hóa Trung Quốc dựa theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974, nhằm ngăn chặn những gì họ cho là hành vi thương mại không công bằng, trộm cắp tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ cưỡng bức.

Danh sách thuế quan này tập trung vào các sản phẩm nằm trong kế hoạch "Made in China 2025", liên quan đến công nghệ thông tin và robot.

Tuy nhiên, chỉ khi đến ngày 6/7/2018, chiến tranh thương mại mới chính thức "khai hỏa" bằng việc Mỹ áp thuế quan 25% đối vớ 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá 34 tỉ USD.

Trung Quốc cũng lập tức đáp trả bằng mức thuế 25% lên 545 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, trong đó có đậu nành.

Hai bên đã tổ chức gặp mặt nhằm tìm kiếm thỏa thuận, song qua 11 vòng đàm phán với vòng đàm phán mới nhất kết thúc vào hôm 10/5, Mỹ và Trung Quốc vẫn không đạt được thỏa thuận.

Nhằm trừng phạt việc Trung Quốc chậm chạp trong việc đi đến thỏa thuận chung, ông Trump đã chính thức tăng thuế hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% vào lúc 12h01 (giờ địa phương) ngày 10/5. Trong tương lai, nhiều khả năng chính quyền của Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục áp thuế bổ sung với lượng hàng hóa còn lại của Trung Quốc.

Hậu quả của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là rất lớn. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đè nặng, thị trường chứng khoán và ngoại hối đều chao đảo trong nhiều tháng qua, đặc biệt là trong tuần này.

Theo Oxford Economics, nền kinh tế Mỹ, cụ thể là người dân Mỹ, có thể sẽ phải chịu thiệt hại từ thuế quan đầu tiên bởi giá cả hàng hóa nhập từ Trung Quốc sẽ tăng lên đáng kể.

Chưa rõ liệu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có tiếp tục đàm phán nữa hay không, tuy nhiên toàn thế giới vẫn sẽ luôn dè chừng sức ảnh hưởng của căng thẳng thương mại giữa họ.

Mỹ - EU đấu đá 15 năm vì trợ cấp cho Boeing và Airbus

Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã tranh chấp trong hơn một thập kỉ qua về việc cáo buộc lẫn nhau viện trợ bất hợp pháp cho hai hãng sản xuất máy bay Boeing và Airbus. Cả hai bên đã bị phát hiện trả hàng tỉ USD trợ cấp để đạt được lợi thế trong kinh doanh máy bay toàn cầu.

Nhằm giải quyết tranh chấp kéo dài 15 năm, cả Mỹ và EU đều đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tuy nhiên, căng thẳng lại leo thang vào ngày 8/4/2019 sau khi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đề xuất đánh thuế các sản phẩm của EU (trị giá 11 tỉ USD), gồm máy bay, phụ tùng, sản phẩm sữa và rượu vang, nhằm trả đũa cho hành vi trợ cấp máy bay của châu Âu.

"Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là đạt được thỏa thuận với EU nhằm chấm dứt tất cả khoản trợ cấp không phù hợp qui định của WTO đối với máy bay dân dụng cỡ lớn. Khi EU chấm dứt các khoản trợ cấp này, khoản thuế bổ sung Mỹ đánh lên hàng hóa của khu vực có thể được gỡ bỏ", Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói trong một tuyên bố.

Để đáp trả động thái của Mỹ, EU cũng không ngần ngại đề xuất một danh sách các mặt hàng Mỹ, gồm máy bay trực thăng, nước sốt cà chua và nước ép trái cây.

Các nguồn tin của EU cho hay các nước thành viên khối này đã "bật đèn xanh" cho việc tiến hành các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, tuy nhiên thời điểm chính xác vẫn chưa được thông báo.

Mỹ - Triều mỗi bên vẫn chưa hoàn thành mục đích

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Triều Tiên và Mỹ đã được tổ chức vào tháng 6/2018 tại Singapore nhằm khắc phục cuộc xung đột liên Triều kéo dài và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Để đổi lại tiến bộ trong kế hoạch phi hạt nhân hóa tại Triều Tiên, ông Kim Jong-un đã yêu cầu Mỹ nới lỏng các lệnh trừng kinh tế đối với nước này.

Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo đã ra về mà không đạt được thỏa thuận chung nào. Mặc dù hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất thất bại, thế giới vẫn vui mừng vì Chủ tịch Kim Jong-un đã đồng ý ngồi vào bàn đám phán.

Tận dụng kết quả đáng khả quan của hội nghị lần thứ nhất, hai nước Mỹ - Triều tiếp tục tham gia thêm một vòng đàm phán mới tại Hà Nội vào tháng 2/2019, càng nhen nhóm hi vọng phi hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, một lần nữa ông Trump và ông Kim Jong-un đã không đạt được thỏa thuận sau các cuộc đàm phán kéo dài hai ngày do bất đồng liên quan tới lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Hội nghị kết thúc sớm hơn dự kiến sau khi lễ kí thỏa thuận và bữa trưa làm việc bị hủy bỏ.

Gần đây, căng thẳng giữa hai nước lại leo thang hơn nữa sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận Triều Tiên đã hai lần thử nghiệm tên lửa đạn đạo trong chưa đầy một tuần.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông "không ai vui mừng" khi Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo, tuy nhiên dường như ông vẫn đang cố "hé mở" cánh cửa để có cơ hội đàm phán với Triều Tiên nhiều hơn trong tương lai.

Buộc Iran ngừng thử nghiệm hạt nhân, Mỹ siết lệnh trừng phạt lên hai nguồn doanh thu chính

Tháng 11/2018, Mỹ một lần nữa áp lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Iran sau khi Tổng thống  Donald Trump đơn phương rút khỏi hiệp định hạt nhân năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc thế giới.

Cùng với các lệnh trừng phạt, Washington cũng đã cấp miễn trừ cho 8 nền kinh tế, cho phép họ tiếp tục nhập khẩu dầu thô Iran mà không phải chịu lệnh trừng phạt trong thêm 6 tháng. Các nền kinh tế này gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp.

Được biết, Washington đang gây áp lực buộc Iran phải hạn chế chương trình hạt nhân và ngừng ủng hộ các quân đội trên khắp Trung Đông.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh ngày 14/4 cho biết việc Mỹ tiếp tục gây sức ép và các lệnh trừng phạt nhằm vào Cộng hòa Hồi giáo sẽ gây tác động tiêu cực tới thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Tuy nhiên, ngày 22/4 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thông báo về việc, kể từ ngày 2/5, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ không còn ban hành miễn trừ trừng phạt cho bất kì quốc gia, vùng lãnh thổ nào đang nhập khẩu dầu thô hoặc khí ngưng tự của Iran.

Nhằm gia tăng áp lực đối với Iran, mới đây Mỹ lại áp thêm lệnh trừng phạt lên kim loại nước này, gồm sắt thép, đồng và nhôm. Đây vốn là nguồn doanh thu lớn thứ hai của Cộng hòa Hồi giáo bên cạnh dầu mỏ.

Nhìn chung, thế giới chưa rõ bước đi tiếp theo của Mỹ trong quan hệ thương mại với các nước trên sẽ diễn biến phức tạp như thế nào sắp tới. Tất cả đang cùng quan sát động thái mới tiếp theo của ông Trump trước thềm tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020.

Trần Nam Thi