|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sau 8 năm thực thi Abenomics, kinh tế Nhật Bản quay về vạch xuất phát

06:48 | 30/08/2020
Chia sẻ
Kỉ nguyên Abenomics do Thủ tướng Shinzo Abe mở ra và kéo dài gần 8 năm sắp kết thúc, nền kinh tế Nhật Bản vẫn ở nguyên tình trạng như trước đây.

Giá cả hàng hóa đang đi ngang và kì vọng giảm phát tại Nhật Bản dường như vẫn ăn sâu trong tâm trí người dân như trước. Nhiều lao động nữ có công ăn việc làm dưới nhiệm kì của Thủ tướng Shinzo Abe đang mất việc vì đại dịch COVID-19 phá hoại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Các hộ gia đình và doanh nghiệp đang tiết kiệm chi tiêu, buộc chính phủ Nhật Bản phải vay nợ để hỗ trợ nhu cầu. Kỉ nguyên Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe đáng lẽ không nên khép lại theo hướng này, Bloomberg nhận định.

Sau 8 năm thực thi Abenomics, kinh tế Nhật Bản quay về vạch xuất phát - Ảnh 1.

Chiều ngày 28/8, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố sẽ từ chức vì vấn đề sức khỏe một khi Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) chọn xong người kế nhiệm ông. Cho đến nay, ông Abe chính là nhà lãnh đạo Nhật Bản tại nhiệm lâu nhất.

Năm 2007, ông Abe từng từ chức một lần với cùng lí do sức khỏe. Năm 2012, ông quay trở lại nắm quyền với một kế hoạch lớn mang tên Abenomics nhằm đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát ra khỏi hai thập kỉ trì trệ. Kế hoạch nổi tiếng này dựa trên "ba mũi tên" chính gồm: nới lỏng tiền tệ, chính sách tài khóa và cải cách pháp lí.

Kỉ nguyên Abenomics

Chính sách Abenomics đã mang lại một số thành công bước đầu. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) mới được bổ nhiệm - ông Haruhiko Kuroda là do ông Abe tự tay lựa chọn.

Bản thân Thống đốc Kuroda đã khiến thị trường hài lòng với chính sách lãi suất siêu thấp và chương trình mua trái phiếu giúp chứng khoán tăng điểm còn đồng yen Nhật giảm giá, từ đó thúc đẩy các nhà xuất khẩu.

Lạm phát thậm chí còn bắt đầu tăng lên và các quan chức chính phủ có thể tuyên bố Nhật Bản đã tìm ra cách thoát khỏi tình trạng giảm phát đã gây khó khăn cho nền kinh tế trong nhiều năm qua.

Khi các công ty báo cáo lợi nhuận cao kỉ lục, ông Abe liên tục thúc giục doanh nghiệp tăng lương để người lao động sẵn sàng chi tiêu hơn. Dù thu nhập của người lao động đi lên, chi tiêu của người tiêu dùng không thể tăng đủ nhanh và liên tục để thúc đẩy lạm phát tăng một cách vững chắc đến mục tiêu 2% của BoJ.

Kỉ nguyên Abenomics của Nhật Bản khép lại sau sự ra đi của Thủ tướng Shinzo Abe - Ảnh 1.

Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố từ chức chiều ngày 29/8. (Ảnh: EPA)

Cũng theo lời kêu gọi của ông Abe, tỉ lệ lao động nữ trên thị trường việc làm tăng đều và đạt mức cao kỉ lục. Điều đó giúp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tiếp tục mở rộng, dù tốc độ khá khiêm tốn và lực lượng lao động của Nhật bản đang già đi.

Hoạt động du lịch bùng nổ nhờ đồng yen Nhật yếu hơn cũng như do những thay đổi về qui định. Thế vận hội Tokyo, ban đầu dự kiến diễn ra vào mùa hè năm nay, thu hút không ít đầu tư và được kì vọng trở thành một thời khắc bùng nổ của nền kinh tế xứ sở mặt trời mọc.

Bà Kathy Matsui - Phó Chủ tịch Goldman Sachs Nhật Bản, cho hay mọi người sẽ luôn nhớ đến chính sách Abenomics trong việc tạo ra một nền kinh tế Nhật Bản cân bằng và phát triển, tạo nhiều công ăn việc làm và ngăn chặn giảm phát.

"Câu hỏi sắp tới là liệu người kế nhiệm của ông Abe có thể đảm đương chương trình nghị sự đang dang dở của ông hay không, và liệu người kế nhiệm có thể đưa Nhật bản thoát khỏi tình trạng giảm phát một lần và mãi mãi không", bà Matsui nhận định.

Sau 8 năm thực thi Abenomics, kinh tế Nhật Bản quay về vạch xuất phát - Ảnh 4.

Bloomberg viết, những thành tựu chắc chắn của Abenomics đã kết thúc tại thời điểm Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố từ chức.

Chính sách Abenomics cũng đầy rẫy thất bại

Ngay cả trước khi Nhật Bản công bố gói giải cứu khổng lồ tương đương 40% GDP hồi đầu năm nay, ngân sách của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã rất đáng báo động, bất chấp việc ông Abe từng nâng thuế tiêu thụ vào năm 2014 và 2019.

Các cải cách pháp lí nhằm rút bớt thủ tục hành chính nhiêu khê không thực sự đại tu hệ thống hành chính hay tạo ra đủ cải tiến để tăng năng suất một cách đáng kể.

Tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ cũng yếu đi qua các năm. Bước ngoặt của lập trường chính sách này là năm 2016, khi BoJ áp dụng lãi suất âm. Điều này tạo ra lo ngại rằng chính sách lãi suất âm sẽ đè nặng lên lợi nhuận của các tổ chức tài chính, đặc biệt là các ngân hàng cho vay nhỏ ở nông thôn.

Lần tăng thuế tiêu thụ thứ hai của Thủ tướng Abe vào tháng 10/2019 hóa ra lại không đúng thời điểm. Thứ nhất, nhiều cơn bão lớn liên tục tấn công nền kinh tế. Sau đó, đại dịch COVID-19 khiến tình hình xấu đi nghiêm trọng.

BoJ phải chuyển trọng tâm từ cố gắng phục hồi lạm phát sang cung cấp cứu cánh cho các doanh nghiệp trong nước với nhiều chương trình cho vay và mua thêm tài sản.

Kết quả là, nhu cầu trong nước tiếp tục phụ thuộc nhiều vào chi tiêu của chính phủ và triển vọng về đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, có thể gia tăng lạm phát bền vững dường như rất xa vời, như thời điểm trước khi Abenomics bắt đầu.

"Mỗi khi nền kinh tế toàn cầu tụt dốc, Nhật Bản sẽ bị chìm theo... Tôi nghĩ lịch sử sẽ coi Thủ tướng Abe như một người mang lại những chuyển biến lớn", nhà kinh tế trưởng Janet Henry của HSBC cho hay.

Không rõ điều gì sẽ xảy ra sau khi kỉ nguyên Abenomics khép lại. Tuy nhiên, các nhà kinh tế không nhận thấy bất kì thay đổi nào sắp xảy ra trong định hướng chính sách tiền tệ, vì nhiệm kì của Thống đốc Kuroda còn kéo dài đến tháng 4/2023. BoJ sẽ tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ hiện tại dù ông Abe từ chức, nguồn tin thân cận của Bloomberg cho hay.

Khả Nhân