Sasco của ông Johnathan Hạnh Nguyễn báo lãi quý III gấp 4 lần cùng kỳ, vượt 4% kế hoạch năm
CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco - Mã: SAS) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với 714 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 72% so với cùng kỳ nhờ tình hình kinh doanh được khôi phục bình thường, sản lượng hành khách đi và đến tại nhà ga quốc nội và quốc tế đều tăng mạnh.
Xét về cơ cấu doanh thu, nguồn thu chủ yếu của Sasco đến từ việc bán hàng hóa tại các cửa hàng miễn thuế tại sân bay với 310 tỷ đồng, chiếm 43%. Tiếp theo là doanh thu từ các hoạt động khác (190 tỷ đồng), doanh thu hoạt động phòng chờ (150 tỷ đồng), bán hàng hóa tại trung tâm thương mại (64 tỷ đồng).
Biên lãi gộp đạt 59%, cải thiện 7 điểm % so với quý III/2022. Trong kỳ, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cùng tăng 82% so với cùng kỳ lên lần lượt 210 tỷ đồng, 100 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 131 tỷ đồng, gấp 3,7 lần so với quý III/2022. Đây cũng là quý Sasco có lợi nhuận cao nhất trong 17 quý, kể từ quý II/2019.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 1.887 tỷ đồng doanh thu tăng 124%, lợi nhuận sau thuế đạt 241 tỷ đồng tăng 99% so với cùng kỳ.
Năm nay, công ty lên kế hoạch doanh thu thuần 2.252 tỷ đồng và lãi trước thuế gần 274 tỷ đồng. Với 285 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, Sasco đã vượt 4% kế hoạch lợi nhuận năm vàthực hiện 84% mục tiêu doanh thu.
Về tình hình tài chính, tại ngày 30/9, tổng tài sản của Sasco đạt 2.354 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. Khoản tiền, tương đương với tiền, tiền gửi có kỳ hạn khoảng 717 tỷ đồng, chiếm 30% tài sản.
Tính đến cuối quý III, Saco không vay nợ. Vốn chủ sở hữu đạt 1.473 tỷ đồng bao gồm 134 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Sasco được thành lập từ năm 1993, hiện tại, doanh nghiệp này đã trở thành một trong những đơn vị dịch vụ hàng không lớn nhất Việt Nam, chuyên quản lý và vận hành hệ thống cửa hàng miễn thuế, bán đồ lưu niệm, nhà hàng và phòng chờ tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Hiện, cổ đông lớn nhất của Sasco là Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP (Mã: ACV) nắm giữ 49% vốn điều lệ.
Các cổ đông chiến lược khác của doanh nghiệp bao gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (25%), Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (15%) và Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (5%). Đây đều là các công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn.