Tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất xây dựng Quận 1, TP HCM thành trung tâm mua sắm, du lịch như Singapore
Bàn về phục hồi và phát triển du lịch tại Hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch" diễn ra sáng 10/3, ông Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, trong một thời gian rất dài hệ thống sản phẩm du lịch của Việt Nam hầu như không thay đổi; chưa có nhiều sản phẩm mang tính khác biệt.
Hay như phát triển kinh tế đêm dù Việt Nam đã có một chút cởi mở nhưng vẫn chưa phát triển được. Chẳng hạn, khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu khoảng 7,5 USD/người/đêm trong khi ở Thái Lan họ chi hơn 30 USD/người/đêm và ở Singapore là hơn 100 USD...
Tổng hợp nhiều yếu tố mà ngành du lịch Việt Nam còn thua các nước, nhưng TS Phạm Trung Lương khẳng định lại trong đó, visa là yếu tố rất quan trọng và đầu tiên cần được giải quyết mà đã tồn tại lâu dài.
Hiện có 13 quốc gia được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam và thời gian lưu trú quá ngắn. Để tháo gỡ điểm nghẽn, Chính phủ cần phải bắt đầu từ visa, mở thêm nhiều đường bay thẳng nữa. Nếu không đầu tư mở đường bay thẳng thì sẽ khó thu hút khách quốc tế.
"Việt Nam mở cửa đầu tiên sau COVID-19 nhưng lại phục hồi chậm nhất?", TS Phạm Trung Lương đặt câu hỏi. Theo ông Lương, nếu chúng ta không khắc phục được điểm nghẽn này thì trong thời gian dài sẽ còn thiếu du khách quốc tế.
Thứ hai là điều kiện để tiếp cận điểm đến, trong đó có visa. Chẳng hạn, ấn tượng đầu tiên khi đến đất nước là rất quan trọng, là nụ cười của nhân viên ở cửa khẩu. Tiếp theo là đường bay thẳng để du khách dễ dàng đến Việt Nam.
Làm sao để tăng hầu bao chi tiêu của du khách?
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cũng đồng tình với quan điểm cần mở cửa visa. Tuy nhiên, visa chỉ là cánh cửa, còn để giữ được khách ở lại, chi tiêu và quay trở lại thì cần phát triển các khu mua sắm.
Nếu xét về lượng tăng trưởng khách quốc tế hàng năm thì Việt Nam đã vượt lên đứng thứ 4 trong các nước ASEAN, tuy nhiên, doanh thu lại chỉ đứng thứ 6. Như vậy, mặc dù Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng về số lượng nhưng về chất lượng và dịch vụ cần được xem xét một cách nghiêm túc.
So với Thái Lan, tốc độ tăng trưởng của họ tương đương Việt Nam và về số lượng khách quốc tế luôn đứng đầu ASEAN. Mặc dù, tốc độ tăng trưởng tương đương Thái Lan nhưng lượng khách đến Việt Nam chỉ bằng 50% Thái Lan và mức độ chi tiêu khách quốc tế chỉ bằng 40%.
Tương tự, nếu so sánh với Philippines, Singapore Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản… thì tổng mức chi tiêu của du khách tại Việt Nam cũng thấp hơn rất nhiều.
Để trả lời những câu hỏi trên, ông Johnathan Hạnh Nguyễn phân tích, trong các loại hình du lịch, Việt Nam đã và đang phát triển phổ biến nhất là du lịch nghỉ dưỡng và du lịch trải nghiệm, chủ yếu nhờ vào tính sẵn có, ưu đãi về điều kiện tự nhiên và đa dạng văn hóa.
Loại hình du lịch sự kiện mới được một số tỉnh thành tổ chức gần đây và chưa thực sự phát triển. Du lịch khám phá, mạo hiểm và du lịch công việc chủ yếu mang tính nhỏ lẻ, tự phát.
Còn đối với 2 loại hình là xu hướng mới về du lịch gồm: Du lịch sức khỏe và du lịch mua sắm - giải trí thì Việt Nam còn rất hạn chế. Trong khi tiềm năng hai loại hình du lịch trên là rất lớn và cũng chính là loại hình mang lại giá trị chi tiêu cao.
Đây cũng chính là "nút thắt" cho việc tăng chi tiêu du khách. Trên thực tế, sau khi du khách quốc tế tới Việt Nam, vẫn còn nhiều ý kiến về việc thiếu và không có những sản phẩm giá trị và đa dạng để du khách mua sắm, không có địa điểm mua sắm phù hợp để du khách tiêu tiền.
Đề xuất xây dựng Quận 1, TP HCM phát triển như Singapore
Lấy dẫn chứng về một số địa điểm phát triển rất tốt hai loại hình trên, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chỉ ra ba khu vực gồm quốc đảo Singapore, Thái Lan và đảo Hải Nam của Trung Quốc.
Theo ông Hạnh Nguyễn, Singapore có thể trở thành thiên đường mua sắm vì đây là đảo quốc miễn thuế, Chính phủ chỉ thu thuế GST. Với lợi thế đó, đảo quốc này đã hình thành các trung tâm mua sắm quy mô cỡ lớn như Orchard Road. Với mức độ phong phú về số lượng trung tâm mua sắm, sự thuận lợi trong việc hoàn thuế VAT cho du khách quốc tế, họ đã hút được lượng lớn khách tới với mục đích du lịch mua sắm là chính.
Ngoài ra, với vị thế là một trung tâm tài chính quốc tế, họ còn tổ chức mạnh các hoạt động về du lịch công việc thông qua việc xây dựng các khu phức hợp các trung tâm hội nghị, khách sạn cao cấp giải trí, casino….
Vì vậy, diện tích chỉ bằng đảo Phú Quốc, nhưng số lượng khách quốc tế đến Singapore và tổng chi tiêu trung bình của một du khách tại Singapore vượt rất nhiều so với Việt Nam.
Với Thái Lan, ông Johnathan đánh giá, Việt Nam có nét tương đồng về điều kiện thiên nhiên với Thái Lan nhưng khoảng cách ngành du lịch hai nước còn rất lớn. Du lịch mua sắm Thái Lan góp phần tăng mạnh doanh thu chi tiêu quốc tế với tỷ lệ tăng trưởng kép 28,2% và du lịch sức khỏe đóng góp tới 4,7 tỷ USD trong năm 2020.
Trường hợp thứ ba được "vua hàng hiệu" dẫn chứng là đảo Hải Nam tại Trung Quốc. Đảo Hải Nam nằm gần Việt Nam, có đủ các yếu tố về điều kiện thiên nhiên để có thể phát triển gần như toàn bộ tất cả các loại hình dịch vụ, từ du lịch nghỉ dưỡng, mua sắm, khám phá, giải trí, y tế…
“Ông vua hàng hiệu” cho rằng, nếu có quyết tâm Quận 1 của TP HCM cũng có thể được làm như Singapore.
"Chúng tôi đã và đang hoàn thiện dự án đầu tư xây dựng các công trình quy mô lớn để trình TP HCM. Đây là những công trình dịch vụ, mua sắm để 'móc hầu bao' du khách như ở Singapore, Thái Lan, đảo Hải Nam", ông Johnathan cho biết.
Chính các nhà đầu tư Mỹ, những người đã đầu tư vào Casino Marina Bay Sand và khu Universal Studio tại Singapore, họ cũng đã xúc tiến việc nghiên cứu địa điểm và điều kiện để đầu tư khu Disneyland, khu giải trí casino, khu factory outlet tại TP.HCM.
"Tôi chắc chắn với quyết tâm thì trung tâm TP.HCM chúng ta có thể làm được như Singapore để phục vụ khách du lịch quốc tế", ông Johnathan khẳng định.
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, hai ngành du lịch về sức khoẻ và mua sắm gần như bị bỏ quên ở Việt Nam. “Chúng ta gần như chưa có các khu mua sắm miễn thuế, hàng hiệu giảm giá 50-90%”, ông Johnathan cho hay.
Chính sách miễn thuế không những mang lại hiệu quả về kinh tế xã hội, thu hút đầu tư mà việc du khách nội địa được mua sắm miễn thuế tại các khu thương mại tự do hoặc phi thuế quan… còn giữ lại được ngoại tệ trong nước, hạn chế dòng chảy ngoại tệ ra nước ngoài.
Ngoài ra, du lịch sức khoẻ cũng là lĩnh vực có tốc độ phát triển cao nhất trong số các loại hình du lịch hiện nay. Nếu phát triển được hai loại hình du lịch trên, đây có thể sẽ trở thành lĩnh vực mũi nhọn trong thời gian tới, ông Johnathan đánh giá.